THÔNG BÁO MỞ LỚP NHẠC LÝ CƠ BẢN
TRUNG TÂM ÂM NHẠC NHẬT HÔNG
16a. Đường 7, Kp 3, P. Tam Bình, Tp. Thủ Đức
ĐT: 0867 869 481
THÔNG BÁO MỞ LỚP NHẠC LÝ CƠ BẢN
Bạn yêu âm nhạc và mong muốn hiểu rõ hơn về nhạc lý? Bạn đang học nhạc cụ nhưng gặp khó khăn trong việc đọc bản nhạc hay xác định cao độ, trường độ? Đừng bỏ lỡ lớp học Nhạc lý cơ bản chuẩn quốc tế, sẽ được khai giảng vào tháng 6 sắp tới tại TRUNG TÂM ÂM NHẠC NHẬT HỒNG.
THÔNG TIN LỚP HỌC:
Khai giảng: Ngày 13/06/2025
Thời gian học: 09h30 – 11h00, Thứ 6 hàng tuần
Địa điểm: TRUNG TÂM ÂM NHẠC NHẬT HỒNG.
Số buổi học: 10 buổi
– Nội dung chương trình học:
- Nhận biết và đọc nốt nhạc trên khuông nhạc
- Các dấu hóa, dấu lặng, dấu nhắc lại
- Trường độ – cao độ – nhịp phách
- Cách xây dựng gam, hợp âm cơ bản
- Nhận diện cấu trúc bản nhạc đơn giản
- Ứng dụng nhạc lý vào chơi nhạc cụ hoặc thanh nhạc
6 Học phí : 2,500,000 VNĐ (gồm Học phí, tài liệu)
Quý phụ huynh đăng ký trực tiếp nơi giáo viên hoặc qua số điện thoại của Trung Tâm: 0867869 481
♪ Học nhạc lý – mở rộng cánh cửa cảm thụ và sáng tạo âm nhạc!
Tm TRUNG TÂM
Sr. Minh Anh
Những mẹo hữu ích trong Microsoft Word mà bạn có thể chưa biết. Phần 1: Khám phá các thiết lập trong mục Tùy chọn Nâng cao
Giới thiệu
Chào bạn đọc,
Microsoft Word là công cụ soạn thảo văn bản quen thuộc với nhiều người – từ học sinh, sinh viên cho đến nhân viên văn phòng hay nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tận dụng hết các tính năng ẩn sâu bên trong Word để làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá những mẹo nhỏ nhưng cực kỳ hữu ích trong Word, đặc biệt là các cài đặt nằm trong mục Tùy chọn nâng cao. Bài viết này hướng đến những người sử dụng bàn phím và trình đọc màn hình, hướng dẫn song song giao diện Anh – Việt có sẵn trong Word.
Các mẹo hữu ích
Chọn cách dán văn bản – giữ văn bản sạch và đồng bộ
Bạn từng gặp cảnh đang soạn văn bản mà một đoạn thì phông chữ Times New Roman, một đoạn lại là phông chữ Arial, cỡ chữ mỗi nơi mỗi kiểu? Nguyên nhân thường là do bạn sao chép từ nhiều nguồn khác nhau và dán trực tiếp vào Word mà không điều chỉnh cách dán.
Giải pháp: bạn có thể thiết lập cách dán mặc định để giữ văn bản sạch sẽ và nhất quán, giúp tiết kiệm thời gian phải sửa từng đoạn.
Cách thực hiện:
- Mở tùy chọn nâng cao của Word
- Giao diện tiếng Anh: ALT + F rồi T
- Giao diện tiếng Việt: ALT + F, mũi tên lên đến “Xem thêm tùy chọn” rồi Enter, sau đó mũi tên xuống đến “Tùy chọn” rồi Enter
- Hộp thoại mới mở ra, mũi tên xuống đến “Advanced” (Nâng cao) hoặc nhấn nhanh chữ cái đầu tiên để đến đó
- Nhấn nhanh ALT + W 2 lần (giao diện tiếng Anh) hoặc ALT + O 2 lần (giao diện tiếng Việt) để đến nhanh phần Cut, copy, and paste (Cắt, sao và dán)
- Có các mục sau, nhấn Tab hoặc Shift + Tab để chuyển qua lại các mục:
- Pasting within the same document (Dán trong cùng tài liệu)
- Pasting between documents (Dán giữa các tài liệu)
- Pasting between documents when style definitions conflict (Dán giữa các tài liệu khi xung đột định nghĩa kiểu)
- Pasting from other programs (Dán từ chương trình khác)
- Có các lựa chọn sau, nhấn mũi tên lên hoặc xuống để lựa chọn, rồi nhấn Enter để đóng hộp xổ:
- Keep Source Formatting (Giữ Định dạng Nguồn)
- Merge Formatting (Phối Định dạng)
- Keep Text Only (Chỉ Giữ Văn bản)
Nếu bạn là người không muốn tốn thời gian chỉnh định dạng thì có thể chọn “Chỉ Giữ Văn bản”
Nếu không muốn chỉnh gì thêm, tab hoặc Shift + Tab đến nút OK rồi Enter để lưu lại lựa chọn.
Ẩn lịch sử mở tài liệu Word
Bạn không muốn người khác biết bạn đã mở tài liệu Word nào gần đây? Word có tính năng lưu lại lịch sử mở tài liệu nhưng bạn có thể tắt hoàn toàn.
Trong tùy chọn nâng cao của Word, làm theo hướng dẫn sau:
- Tab đến mục “Show this number of Recent Documents” (Hiện các Tài liệu Gần đây theo số lượng sau), xóa số có sẵn rồi nhập số 0
- Bỏ chọn mục “Quickly access this number of Recent Documents” (Nhanh chóng truy nhập các Tài liệu Gần đây theo số lượng sau)
- Tab đến mục “Show this number of non-favorited Recent Folders” (Hiển thị số lượng Thư mục gần đây không được ưa thích), xóa số hiện tại rồi nhập số 0
Nếu không muốn chỉnh gì thêm, tab hoặc Shift + Tab đến nút OK rồi Enter để lưu lại lựa chọn.
Đổi đơn vị đo trong Word
Nhiều người khi chỉnh lề trang lại thấy đơn vị đo là “inch” thay vì “cm” quen thuộc, gây khó khăn trong việc căn chỉnh.
Trong tùy chọn nâng cao của Word, làm như sau:
- Nhấn nhanh ALT + M 2 lần (giao diện tiếng Anh) hoặc ALT + E 2 lần (giao diện tiếng Việt để đến nhanh phần Display (Hiển thị)
- Mục “Show measurements in units of” (Hiện đơn vị đo theo) có các đơn vị:
- Inches (In-xơ)
- Centimeters (Xentimét)
- (Millimeters) (Milimét)
- Points (Điểm)
- Picas (Pica)
Lựa chọn theo nhu cầu sử dụng (ở đây chọn đơn vị cm)
Nếu không muốn chỉnh gì thêm, tab hoặc Shift + Tab đến nút OK rồi Enter để lưu lại lựa chọn.
Lời kết:
Vừa rồi, chúng ta đã cùng tìm hiểu ba thiết lập quan trọng trong mục Tùy chọn nâng cao của Microsoft Word. Hi vọng bài viết này hữu ích.
Đây chỉ là phần mở đầu trong loạt bài về những mẹo hữu ích khi sử dụng Word. Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá nhiều thủ thuật thú vị khác giúp bạn làm việc nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn.
Hẹn gặp lại trong bài viết tiếp theo!
Liên hệ với tôi qua thư điện tử: hungvuongpham30@gmail.com
(Phạm Hùng Vương)
Những kênh Youtube mình đang theo dõi để phát triển từng ngày
Trong thời đại mà chúng ta luôn bội thực thông tin, bị cuốn theo các video ngắn đầy hấp dẫn trên mạng xã hội, thật dễ để bỏ qua những nội dung chuyên sâu, giá trị. Tuy nhiên, vẫn có những kênh YouTube dành cho những ai muốn đầu tư vào phát triển bản thân một cách bền vững. Đây là những kênh mà mình đang theo dõi mỗi ngày, không chỉ để học hỏi mà còn để tìm cảm hứng từ họ.
1. Giang Ơi
Giang Ơi là một người kể chuyện chân thật. Những câu chuyện từ cuộc sống, công việc, và thậm chí là những thất bại giúp người xem không chỉ học hỏi mà còn cảm thấy được sẻ chia. Những chủ đề như xây dựng kỹ năng mềm, tổ chức cuộc sống, và đối mặt với áp lực đều được chị chia sẻ dưới góc nhìn gần gũi và thẳng thắn.
Điều mình yêu thích nhất ở kênh chị Giang Ơi là cách tiếp cận chân thực và bình dị. Bạn sẽ cảm thấy như đang trò chuyện cùng một người bạn thân, người sẵn sàng chia sẻ mọi thứ, không hề kiểu cách. Mỗi video đều giống như một lời động viên, đôi khi là gợi ý, và đôi khi là thôi thúc mình có động lực để đối mặt với những khó khăn và tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó một cách tự nhiên và thực tế.
2. The Present Writer
The Present Writer, do chị Chi Nguyễn sáng lập, là nơi bạn có thể tìm hiểu về chủ nghĩa tối giản, phát triển bản thân, và cả những phương pháp học tập hiệu quả. Những chủ đề thường liên quan đến việc sống có mục tiêu, tìm lại cân bằng trong cuộc sống và cách cải thiện bản thân mỗi ngày.
Chị Chi luôn truyền tải kiến thức theo cách hệ thống, có nghiên cứu rõ ràng. Chị ấy chia sẻ không chỉ là kinh nghiệm cá nhân mà còn từ các tài liệu khoa học và triết lý. Những gì mình học được từ The Present Writer không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn là những hướng dẫn cụ thể giúp mình áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, và kĩ năng nghiên cứu là một trong nhiều thứ mình học được từ chị.
3. Thái Vân Linh Skills Bridge
Skill Bridge là nơi mình tìm thấy những chia sẻ cực kỳ thực tế từ chị Thái Vân Linh – một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Mình hay xem các video về đầu tư, AI và sức khỏe, vì chị nói những chủ đề này rất thực tế, gần gũi, không hề khô khan. Mỗi lần xem xong, mình đều cảm giác có thêm một góc nhìn mới hoặc một cách làm cụ thể để áp dụng vào cuộc sống.
Đặc biệt, mình thích cách chị giải thích về đầu tư – không cần phải là chuyên gia hay có vốn lớn, ai cũng có thể bắt đầu nếu có tư duy đúng. Phần về AI thì rất hữu ích, nhất là những mẹo dùng AI để tăng hiệu suất công việc – vừa nghe qua là muốn thử ngay. Về sức khỏe, chị không chỉ nói về việc tập thể dục hay ăn uống mà còn gợi nhắc những điều nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa, như việc giữ tinh thần thoải mái giữa guồng quay bận rộn. Với mình, kênh của chị giống như một cố vấn, luôn có những lời khuyên đúng lúc để lúc nào mình cũng thấy cần được làm mới.
4. Web5ngay
Nếu bạn quan tâm đến kinh doanh và khởi nghiệp, Web5ngay là một kênh không thể bỏ qua. Anh chủ kênh chia sẻ rất chân thành về các kiến thức khởi nghiệp, kinh doanh online và nhiều mẹo hay ho liên quan đến phát triển bản thân. Nhưng điều đặc biệt hơn là Web5ngay còn đưa ra những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống, giúp mình có thêm góc nhìn khác với chủ đề kinh doanh và phát triển bản thân. Mặc dù không biết trong tương lai mình có làm kinh doanh hay không, nhưng những tư duy về kinh doanh lẫn những bài học của kênh là một nền tảng vững chắc để mình đối diện với nhiều quyết định trong cuộc sống.
Web5ngay không chỉ hướng dẫn chi tiết từng bước mà còn truyền tải sự hài hước và dễ hiểu. Sự chân thành và thực tế là điểm mình thích nhất ở Web5ngay, vì nó giúp mình thấy rằng mọi thành công đều bắt đầu từ những điều rất đời thường.
Những kênh YouTube này đã giúp mình phát triển không chỉ về mặt kiến thức, kĩ năng, mà còn giúp mình có động lực và niềm tin vào những điều nhỏ bé mỗi ngày. Hy vọng bạn cũng sẽ tìm thấy giá trị từ những kênh Youtube khác (hoặc các kênh mình gợi ý) để luôn cảm thấy bản thân được làm mới qua từng ngày.
(Phạm Minh Trung)
LÀM SAO ĂN UỐNG GỌN GÀNG VÀ TỰ TIN KHI LÀ NGƯỜI KHIẾM THỊ?
Là người khiếm thị, tôi hiểu rất rõ cảm giác lúng túng khi ăn uống – từ việc xác định món ăn, gắp thức ăn sao cho không rơi vãi, đến việc vừa ăn vừa trò chuyện với mọi người một cách tự nhiên. Có lúc, tôi từng cảm thấy ngại khi đi ăn chung với người khác, chỉ vì sợ “ăn không đẹp mắt” hoặc làm phiền người xung quanh. Nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng chỉ cần mình chuẩn bị kỹ, tập luyện thường xuyên và giữ thái độ tự tin thì việc ăn uống sẽ nhẹ nhàng, gọn gàng hơn rất nhiều. Và sau đây là những kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được muốn chia sẻ đến mọi người.
CHUẨN BỊ TRƯỚC VÀ XÁC ĐỊNH ĐỒ ĂN
Trước khi ăn, tôi luôn cố gắng xác định vị trí các món trên bàn. Nếu ăn ở nhà, tôi sẽ sắp xếp đồ ăn sao cho có trật tự và dễ nhớ – ví dụ: chén cơm bên trái, canh ở chính giữa, món mặn bên phải. Cách này giúp tôi dễ định hướng và gắp thức ăn gọn gàng hơn.
Có người hay dùng mẹo “kim đồng hồ” để mô tả vị trí món ăn (ví dụ: thịt ở hướng 3 giờ, rau ở hướng 6 giờ…), nhưng thực tế không phải lúc nào cũng áp dụng được, nhất là khi bàn ăn rộng hoặc có nhiều người. Nên tôi chọn cách nhớ vị trí các món mình ăn thường xuyên trước, rồi từ từ mở rộng ra các món khác – giống như một cuộc “thám hiểm” nhỏ vậy đó. Vừa ăn vừa khám phá cũng thú vị lắm.
Còn khi ăn ở ngoài, nhất là trong những quán lạ, tôi không ngại hỏi nhân viên phục vụ: “Trong dĩa này có những món gì và để ở đâu vậy chị?” Chỉ cần một lời giải thích nhỏ cũng giúp tôi tránh được cảm giác bối rối, và ăn uống tự tin hơn nhiều.
ĂN CHẬM VÀ KHÔNG CẦN VÉT SẠCH
Tôi nghĩ ai mà chẳng có lúc muốn ăn cho sạch đĩa. Không hẳn vì tiếc của, mà vì cảm giác… bỏ thừa đồ ăn thì thấy kỳ kỳ. Kiểu như, đồ ăn người ta nấu cực khổ, mình để dư nhìn cũng thấy tội. Thế nên, nhiều lần tôi cứ cố vét cho bằng hết.
Nhất là khi ăn ở ngoài quán, nơi cơm thường được đựng trong đĩa – mà đĩa thì trơn, mỏng. Nếu vét kỹ quá, tiếng muỗng cạ vào đáy đĩa vang lên “lạch cạch” rất rõ. Tiếng động ấy không phải là thói quen riêng của người khiếm thị, mà có lẽ là phản xạ chung của bất kỳ ai quá tập trung vào việc vét sạch. Nhưng trong mắt người ngoài, điều đó có thể bị hiểu lầm: nào là ăn vụng về, nào là thiếu tinh tế, hoặc tệ hơn là… đói quá chừng.
Tôi nhận ra, vấn đề không nằm ở chuyện còn vài hạt cơm hay miếng rau sót lại, mà nằm ở cách mình ăn: có thoải mái, tự nhiên, và đúng với hoàn cảnh không?
Thế nên, thay vì cố vét đến hột cuối cùng, tôi chọn ăn chậm hơn, tập trung vào việc phối hợp tay cầm thìa và tay giữ đĩa sao cho hợp lý, để ăn gọn mà không gây tiếng động. Nếu thấy không quen với đĩa, tôi mạnh dạn nhờ đổi sang bát, miễn sao mình ăn được một cách tự tin.
Dần dần, tôi học được cách thư giãn khi ăn, không khắt khe với bản thân, và cũng không cần phải chứng minh điều gì qua cách ăn uống. Bữa ăn không chỉ để no bụng – mà còn là dịp kết nối, trò chuyện, sống chậm. Và vì vậy, ăn nhẹ nhàng, từ tốn, đúng mức – mới là điều khiến tôi thấy dễ chịu và tự tin nhất.
THỰC HÀNH VÀ KIÊN NHẪN
Giống như bất kỳ kỹ năng nào, ăn uống cũng cần luyện tập. Khi ở nhà, tôi thường tự phục vụ để luyện tay nghề. Từ việc múc canh, gắp rau cho đến múc cơm – làm quen dần giúp tôi bớt vụng về hơn.
Tôi cũng cố gắng giữ thói quen ăn chậm. Không chỉ để tránh làm rơi vãi thức ăn mà còn để cảm nhận món ăn một cách trọn vẹn. Lúc đầu có thể chậm hơn người khác, nhưng nhờ kiên trì, tôi thấy bản thân tiến bộ lên từng ngày. Điều quan trọng là đừng ngại mắc lỗi – ai cũng từng lóng ngóng, miễn là mình dám sửa và tiếp tục học.
GIỮ LƯNG THẲNG VÀ GIỮ THÁI ĐỘ TỰ TIN
Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc giữ lưng thẳng khi ăn lại có ảnh hưởng rất lớn. Một tư thế đúng không chỉ giúp tôi dễ dàng đưa thức ăn vào miệng mà còn tạo sự lịch sự, tự tin khi ngồi chung bàn với người khác.
Tôi từng có giai đoạn cứ cúi gằm mặt xuống bàn vì sợ rơi thức ăn. Nhưng khi điều chỉnh tư thế, tôi cảm thấy dễ thở hơn, ăn cũng nhẹ nhàng hơn, và người đối diện nhìn mình cũng thấy dễ chịu hơn nữa. Khi tự tin, tôi không còn lo lắng “không biết mình ăn có gọn không”, mà chỉ tập trung vào việc thưởng thức bữa ăn và trò chuyện tự nhiên.
SỰ GIÚP ĐỠ CỦA BẠN BÈ VÀ NGƯỜI THÂN
Tôi luôn trân trọng những lần được người thân hay bạn bè hỗ trợ trong lúc ăn uống. Chẳng hạn như mô tả món ăn, cắt thức ăn ra nhỏ hơn hay hướng dẫn cách ăn món mới. Tuy nhiên, tôi cũng muốn giữ sự độc lập của mình.
Có những lúc tôi thử trước, nếu thấy khó mới nhờ người khác. Việc này không chỉ giúp tôi rèn luyện mà còn tạo cảm giác tự chủ, không phải lúc nào cũng phụ thuộc. Dẫu vậy, nếu ai đó giúp đúng lúc, tôi cảm thấy ấm lòng và biết ơn lắm – vì sự hỗ trợ đó không phải là sự thương hại, mà là sự đồng hành và ủng hộ.
GIỮ VỆ SINH SẠCH SẼ
Một điều tôi luôn ưu tiên khi ăn xong là lau tay, lau miệng và dọn lại chỗ ngồi của mình. Tôi thường mang theo khăn giấy khô và khăn ướt, vì nó tiện lợi và giúp tôi chủ động trong mọi tình huống.
Việc giữ sạch không chỉ là vì bản thân mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng người khác. Tôi không muốn ai phải dọn giùm mình sau mỗi bữa ăn, đặc biệt là khi ăn ở nơi công cộng. Vậy nên, chỉ cần một chút thói quen nhỏ thôi, tôi có thể tạo được ấn tượng tốt và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
ĂN UỐNG GỌN GÀNG VỚI MÓN CÓ SỢI VÀ RAU DÀI
Những món như bún, miến, mì hay rau muống luộc đôi khi gây khó khăn vì dễ bị vướng, rơi ra khỏi đũa hoặc kéo dài lê thê. Nên tôi thường gắp từng ít một, có khi còn dùng muỗng để hỗ trợ hoặc cắt ngắn ra trước khi ăn.
Một số món như bún thì tôi sẽ khéo léo cuộn tròn lại hoặc dùng đũa kéo lên vừa phải rồi mới ăn, tránh “một cú kéo cả mớ”. Nếu cần cúi đầu để đưa thức ăn vào miệng thì tôi vẫn giữ lưng thẳng và chỉ nghiêng nhẹ phần đầu. Việc giữ tư thế đúng giúp tôi ăn gọn hơn và không bị mỏi sau bữa ăn.
TÓM LẠI
Là người khiếm thị, chuyện ăn uống đôi lúc có thể khiến mình thấy ngại ngùng hoặc khó khăn. Nhưng chỉ cần một chút kiên trì, luyện tập và biết cách chuẩn bị trước, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể ăn uống gọn gàng, sạch sẽ và đầy tự tin như bất kỳ ai. Hãy bắt đầu từ những bữa ăn nhỏ, và đừng sợ mắc lỗi. Quan trọng là luôn vui vẻ, thoải mái và tận hưởng từng khoảnh khắc bên mâm cơm. Chúc các bạn luôn ngon miệng và tự tin mỗi khi ngồi vào bàn ăn nhé!
(Nguyễn Hoàng Quy)
Những tiện ích Chrome mình dùng để duyệt web tiện lợi hơn
Là một người thường xuyên làm việc, học tập và giải trí trên máy tính, mình luôn tìm kiếm những cách để tối ưu hóa thời gian và trải nghiệm duyệt web. Sau một thời gian thử nghiệm đủ loại tiện ích mở rộng (extensions), mình đã tìm ra vài “người bạn đồng hành” không thể thiếu trên Chrome. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn những tiện ích này, hy vọng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và làm mọi thứ dễ dàng hơn.
1. Adblock for YouTube
Có ai thấy phiền khi đang xem video mà cứ bị cắt ngang bởi quảng cáo không? Mình thì cực kỳ! Đó là lý do mình cài Adblock for YouTube.
Tiện ích này giúp chặn mọi quảng cáo xuất hiện trên YouTube, từ những đoạn video đầu, giữa, đến cả quảng cáo pop-up trên màn hình. Điều này không chỉ giúp mình tập trung hơn khi xem video học tập mà còn tiết kiệm thời gian nữa. Đặc biệt, trang YouTube cũng tải nhanh hơn khi không có quảng cáo.
Tuy nhiên , nếu bạn muốn hỗ trợ kênh mà mình yêu thích, hãy tắt tiện ích khi xem những video của họ nhé.
2. GoFullPage – Full Page Screen Capture
Nếu bạn thường xuyên cần chụp ảnh màn hình trang web như mình, bạn sẽ hiểu cảm giác “khó chịu” khi phải chụp từng đoạn rồi ghép lại. Với GoFullPage, việc này chỉ còn là quá khứ.
Chỉ cần một phím tắt, tiện ích này sẽ cuộn toàn bộ trang web và chụp lại đầy đủ. Bạn có thể lưu ảnh dưới dạng PNG, JPEG, hoặc thậm chí là PDF. Dùng nhiều cho công việc lẫn học tập, mình thấy tiện ích này rất đáng để thử.
3. Read Aloud
Tiện ích này biến nội dung trên trang web thành giọng nói, đọc to cho mình nghe. Thông thường, các trang web sẽ đặt quảng cáo để có thêm kinh phí, tiện ích này rất thông minh khi chỉ đọc nội dung của bài viết, mà không đọc quảng cáo được chèn vô.
Mình thường sử dụng nó để nghe các bài viết dài. Bạn có thể chọn giọng đọc, điều chỉnh tốc độ và âm lượng tùy ý. Nó cực kỳ hữu ích khi bạn vừa muốn nắm bắt một số thông tin nhưng bận làm một việc gì đó.
4. YouTube Subtitle Download Helper
Đôi khi mình muốn lưu lại phụ đề từ một video để học từ vựng hoặc làm tài liệu tham khảo. Với YouTube Subtitle Download Helper, mình có thể tải phụ đề xuống dưới nhiều định dạng như srt, txt hoặc csv.
Để tiện cho việc sử dụng, mình thường ghim tiện ích ra ngoài rồi nhấn tải sẽ rất nhanh. Nhiều khi trong tài liệu có video từ Youtube mà sử dụng ngoại ngữ không phải tiếng Anh hoặc video chỉ có chữ mà không thoại, mình rất hay dùng tiện ích này.
5. YouTube Summary with ChatGPT & Claude
Bạn có từng thấy “lười” khi phải xem hết một video dài chỉ để tìm một thông tin nhỏ? Mình đã từng, và YouTube Summary with ChatGPT & Claude chính là giải pháp. Tiện ích này tự động tóm tắt nội dung video, giúp mình nắm được những ý chính mà không cần xem toàn bộ.
Khi sử dụng tiện ích, bạn có thể hỏi thêm về nội dung của video thông qua việc chat với GPT như bình thường. Từ đó, nâng cao hiệu suất công việc và học tập.
Trên đây là những tiện ích mình đang dùng trên Chrome để duyệt web thuận tiện hơn. Mỗi tiện ích đều có vai trò riêng, giúp mình tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, và cải thiện trải nghiệm trực tuyến. Nếu bạn thấy thú vị, hãy thử cài đặt và khám phá nhé. Biết đâu, chúng sẽ trở thành “bảo bối” cho bạn giống như với mình.
(Phạm Minh Trung)
Những ứng dụng mình đã lựa chọn để luyện nói tiếng Anh
Nếu bạn cũng đang trong hành trình cải thiện khả năng nói tiếng Anh như mình, chắc hẳn đã từng băn khoăn về việc lựa chọn ứng dụng luyện tập hiệu quả. Sau khi thử qua khá nhiều ứng dụng, mình muốn chia sẻ với các bạn ba ứng dụng đã giúp mình tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh. Đây không phải là một hành trình dễ dàng, nhưng với những công cụ đúng đắn, bạn sẽ cảm nhận được sự tiến bộ từng ngày.
HelloTalk – Giao tiếp đa văn hóa
HelloTalk là ứng dụng đầu tiên mình lựa chọn khi muốn kết nối với người bản ngữ để thực sự “đắm mình” vào tiếng Anh. Điều thú vị ở HelloTalk là bạn không chỉ học ngôn ngữ mà còn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục và cách sống của những người bạn quốc tế. Ứng dụng này thực sự giống như một mạng xã hội cho người học ngôn ngữ, nơi mà mọi người có thể trò chuyện với nhau qua tin nhắn, gọi thoại và thậm chí gọi video.
Điểm cộng lớn nhất của HelloTalk là việc bạn có thể sửa lỗi ngay trong lúc trò chuyện, nhờ các công cụ chỉnh sửa ngữ pháp và phát âm mà ứng dụng cung cấp. Điều này giúp mình phát hiện những lỗi sai mà đôi khi mình không nhận thấy, từ đó điều chỉnh cách nói cho chính xác hơn. Tuy nhiên, tính năng này rất khó tiếp cận với trình đọc màn hình trên điện thoại Android, và đó cũng là lí do mình không sử dụng ứng dụng này nữa.
Nhược điểm của HelloTalk là một số tính năng nâng cao yêu cầu người dùng trả phí. Và vì đây là một nền tảng mở, nên để tìm được người thực sự đồng điệu về sở thích và mục tiêu học tập cũng cần một chút kiên nhẫn. Nếu bạn mới dùng, với kinh nghiệm của mình, mất ít nhất 2- 3 tuần cùng với việc spam tin nhắn mời chào cùng với rất nhiều tin nhắn xã dao thì bạn mới tìm được một bạn thực sự nghiêm túc.
Tandem – Trò chuyện như những người bạn
Sau một thời gian dùng HelloTalk, mình thử chuyển sang Tandem để tìm kiếm sự mới mẻ và có thêm nhiều trải nghiệm. Tandem cũng là ứng dụng kết nối người học với người bản ngữ, nhưng điều đặc biệt là bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bạn học có cùng mục tiêu, nhờ tính năng lọc người dùng theo ngôn ngữ, quốc gia, thậm chí là sở thích. Nhờ vậy, mình có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện một cách tự nhiên và thoải mái, giống như nói chuyện với một người bạn hơn là chỉ để học.
Điểm cộng lớn nhất với mình là tính tiếp cận của ứng dụng này với người khiếm thị rất tốt. Ứng dụng đọc hầu hết các chức năng. Mình chưa dùng bản trả phí, nhưng bản miễn phí cũng là quá đủ nếu nhu cầu của bạn chỉ dừng lại ở việc tìm bạn học để luyện giao tiếp.
Nhược điểm của Tandem nói riêng và các ứng dụng luyện nói là ứng dụng không có cấu trúc bài học cụ thể, nên để đạt hiệu quả cao, mình phải tự tạo kế hoạch và mục tiêu luyện tập hàng ngày. Đối với một số người thích học có lộ trình rõ ràng, có thể sẽ không phù hợp lắm.
Episoden – Cuộc trò chuyện 7 phút đầy thú vị
Episoden là ứng dụng gần đây nhất mà mình thử nghiệm, và mình khá thích thú với cách tiếp cận mới lạ này. Episoden cho phép bạn tham gia vào các cuộc trò chuyện ngắn, chỉ khoảng 7 phút với người dùng từ hơn 150 quốc gia. Với thời gian giới hạn, mình không bị cảm giác “áp lực” phải nói lâu, mà ngược lại còn thấy việc luyện tập này cực kỳ hữu ích, nhất là với những ngày mình bận rộn nhưng vẫn muốn duy trì thói quen luyện nói.
Episoden có tính năng gợi ýchủ đề cho người học. Các chủ đề rất phong phú, từ giao tiếp hàng ngày, phỏng vấn, cho đến các kỳ thi như IELTS hay TOEFL. Nền tảng có cả web và ứng dụng cho người học linh động. Đồng thời, những người đăng kí mới luôn được xác minh và người học không cần phải kết bạn vì phiên trò chuyện được mở và sẽ thay đổi người nói (partner) liên tục.
Do tính chất “gặp gỡ nhanh”, đôi khi kết nối internet yếu có thể làm gián đoạn cuộc trò chuyện, gây chút phiền toái. Bạn cũng có thể trả phí để nâng thời gian đàm thoại. Bên cạnh đó, việc không được lựa chọn người nói từ quốc gia nào nên bạn sẽ hơi khó nghe nếu lỡ gặp phải những quốc gia có accent lạ.
Mỗi ứng dụng mang đến một trải nghiệm độc đáo và phù hợp với từng nhu cầu khác nhau của mình. Nếu bạn đang tìm kiếm sự kết hợp giữa việc học và kết bạn, HelloTalk là một lựa chọn tuyệt vời. Còn nếu muốn một môi trường giao tiếp giống như những người bạn thân thiết, thì Tandem là ứng dụng đáng thử. Và với những ai bận rộn, Episoden sẽ là lựa chọn hoàn hảo để duy trì việc luyện tập tiếng Anh mỗi ngày. Hãy thử trải nghiệm các ứng dụng này và tìm ra phương pháp học hiệu quả nhất cho riêng mình nhé. Chúc các bạn sớm thành công và tự tin hơn trên hành trình chinh phục tiếng Anh.
(Phạm Minh Trung)
Quản Lý Tài Chính Dành Cho Người “Lười”
Khi bước vào cuộc sống tự lập, một trong những điều chúng ta đối mặt ngay là làm sao để không “viêm màng túi” khi chưa đến cuối tháng. Đừng lo, nếu bạn là người lười ghi chép từng khoản chi tiêu hay không có hứng thú ngồi tính toán chi li, thì cách quản lý tài chính “lười” dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm, chi tiêu hợp lý mà không cần phải nỗ lực quá nhiều.
Mặc dù nói là “lười”, không có nghĩa là không làm gì cả, mà nó nên hiểu là làm ít hơn để được nhiều hơn. Và với kinh nghiệm cá nhân của một đứa sống tự lập ít nhất 6 năm như mình, mình tin, đây là cách giúp bạn tối ưu tài chính với cách “nhàn” nhất.
Phương pháp này bắt đầu từ ý tưởng là chia thu nhập hàng tháng của bạn thành 6 phần theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Chúng ta sẽ đi qua từng hũ một, để bạn thấy cách quản lý tài chính trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả thế nào nếu bạn làm nó đều vào mỗi đầu tháng nhé. Đầu tháng không nhất thiết là ngày 1, mà đó có thể là ngày “tiền về” túi bạn.
1. Hũ Dự Phòng
Ngay khi nhận lương hoặc khoản tiền sinh hoạt hàng tháng, bạn hãy bỏ vào hũ này ít nhất 10% tổng thu nhập. Đây là quỹ “cứu nguy” của bạn trong những trường hợp khẩn cấp như hỏng xe, ốm đau, hay bất kỳ sự cố bất ngờ nào.
Nhiều bạn có thể sẽ khinh thường con số 10% khi tổng thu nhập của bạn là quá nhỏ và không đáng. Hãy tưởng tượng, sau 10 tháng, bạn sẽ có khoản tiền bằng một tháng lương, và sau một năm, số tiền này sẽ đủ để giúp bạn xoay xở trong nhiều trường hợp bất ngờ. VÀ đó là lí do vì sao không phải là một con số cụ thể, mà nó nên là tỉ lệ và 10% là con số không quá nhiều và không quá ít để làm ảnh hưởng tới các hũ khác.
Với tư duy luôn trả lương cho mình đầu tiên, đây là cách mình tích lũy từ từ. con số 10% có thể phù hợp cho những bạn có tổng nguồn tiền vào (hay còn gọi là thu nhập) nhỏ hơn 10-12 triệu/tháng và đang trên con đường sống tự lập. Tin mình đi, cách này vừa khiến bạn luôn cảm thấy an toàn, nhưng vừa cảm thấy thú vị sau hai năm tích lũy đấy. Đó không ngừng lại là số tiền bạn tích lũy được, mà nó đến từ những bài học mà cuộc sống sẽ dạy bạn. Ví dụ, bạn sẽ nhận ra mình “giỏi” thế nào trong việc cân đối chi tiêu, hay 2 năm tích lũy cũng là số tiền để bạn tiến tới đầu tư lớn hơn một lĩnh vực nào đó.
2. Hũ Chi Phí Cố Định
Đây là khoản lớn nhất và cũng là hũ dành cho các khoản chi tiêu bắt buộc hàng tháng như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, tiền điện thoại, và các khoản phí cố định khác. Hãy tổng hợp các chi phí này ngay từ đầu tháng để đảm bảo không có khoản nào bị thiếu hụt.
Bạn có thể cài đặt thanh toán tự động cho các hóa đơn cố định qua ngân hàng để tránh nộp trễ và không bao giờ “lỡ tay” tiêu nhầm số tiền này.
Với những bạn khiếm thị, nếu di chuyển bằng xe công nghệ thì khoản này là khá lớn. Bạn nên ngồi xuống để tính toán hợp lí nhé. Bạn cũng có thể sử dụng ưu đãi từ ứng dụng, bạn bè, hoặc nhiều dịch vụ đặt xe trên các hội nhóm để tiết kiệm. Với những bạn còn đang là sinh viên và chưa vướng bận với việc làm, lời khuyên của mình là bạn có thể tập đi xe bus, vừa tiết kiệm và cũng vừa thoải mái.
3. Hũ Tiền Chợ
Nếu ở cùng nhóm bạn trên 3 người, việc tự nấu ăn tại nhà là rất tiết kiệm. Ở hai người thì có thể cân nhắc, còn nếu ở một người thì giải pháp tối ưu vẫn là ăn ngoài.
Giả sử lựa chọn nấu tại nhà, Để biết tiền chợ bao nhiêu là hợp lí, bạn nên tính theo tổng số đồ ăn mà mình sẽ mua theo tuần gồm những gì, giá khoảng bao nhiêu. Bạn cũng có thể thảo luận với người nội trợ có kinh nghiệm để có những tính toán hợp lí sao cho tiết kiệm, nhưng dinh dưỡng vẫn là ưu tiên.
Ví dụ, Với 6 triệu đồng thu nhập, bạn có thể dành khoảng 1.2 triệu đồng cho hũ này, chia ra khoảng 300 nghìn đồng mỗi tuần cho thực phẩm, thêm một bạn nữa là 600k/tuần, vậy mỗi ngày là 85k cho hai bạn. Nếu nhà có tủ lạnh thì mình tin là điều này có thể, vì mình cũng đã làm được. Bài sau mình sẽ gửi đến bạn những tư duy trong việc nấu ăn của mình. Việc có chế độ dinh dưỡng hợp lí giúp bạn có được bữa ăn đầy đủ chất nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ dẫn đến bệnh.
Với những bạn ở một mình, bạn nên lựa chọn ở sleep box hoặc kí túc xá để giảm chi phí chỗ ở nhằm tăng chi phí ăn uống. Trường hợp này thì dinh dưỡng quan trọng hơn chỗ ở.
4. Hũ Đồ Dùng Sinh Hoạt
Đây là hũ cho các chi phí liên quan đến đồ dùng cá nhân và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bột giặt, xà phòng, nước rửa chén, giấy vệ sinh. Khoản chi tiêu này có thể linh hoạt theo mỗi tháng. Nếu tháng nào không dùng hết số tiền này, bạn có thể để dư vào tháng sau để có thêm một khoản dự phòng cho nhu cầu này, hoặc linh hoạt để vào hai hũ bên dưới.
Mẹo nhỏ, nếu bạn biết săn sale trên các sàn thương mại điện tử bằng cách mua gộp đơn với bạn hoặc mua sỉ sản phẩm thì bạn cũng tiết kiệm được và không cần phải lo khoản này trong vài tháng tiếp theo đấy.
5. Hũ Đầu Tư – Khoảng 10% Thu Nhập
Đầu tư không nhất thiết phải là một khoản tiền lớn. Ngay cả khi bạn chỉ có một khoản nhỏ, ví dụ như 450 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu học về đầu tư. Các nền tảng hiện nay cho phép bạn đầu tư chỉ từ vài chục nghìn đồng, từ đó giúp bạn tích lũy kinh nghiệm và kiến thức cho các khoản đầu tư lớn hơn trong tương lai.
Đầu tư vào bản thân bằng các khóa học hoặc sách cũng là một hình thức đầu tư thông minh. Đừng ngại thử sức, chỉ cần chọn những kênh uy tín và kiên trì thì bạn cũng sẽ đạt được quả ngọt.
Nhờ chịu khó tham gia các buổi hội thảo miễn phí (chỉ tốn tiền xe đi lại) mà mình cảm nhận được bản thân phát triển rất nhiều. Cái lãi ở đây là mối quan hệ, các cơ hội đầu tư (như tài sản mã hóa), cơ hội học tập trong các khóa học hàng chục triệu và một chương trình học tại trường quốc tế. Và mình tin nếu bạn đánh giá cao việc đầu tư kiến thức thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ có cho mình những thành quả bạn xứng đáng đạt được.
6. Hũ Giải Trí
Cuối cùng, hũ dành cho các hoạt động giải trí, mua sắm, ăn uống ngoài, và các sở thích cá nhân. Đây là phần bạn xứng đáng có sau khi đã nghiêm túc với 5 hũ trên. Hãy thoải mái tiêu dùng mà không lo “lỡ tay”. Đừng bao giờ để hũ giải trí ảnh hưởng đến các hũ quan trọng khác. Chi tiêu hợp lý trong hũ này giúp bạn vừa thỏa mãn nhu cầu, vừa đảm bảo sự ổn định tài chính.
Nếu vậy, khoản tiền khẩn cấp như cưới xin thì thuộc hũ nào. Bạn có thể cân nhắc giữa hũ 4 và hũ 6 nhé, thậm chí là hũ 5 nếu trúng vào mùa cưới, vì nói cho cùng thì mối quan hệ tốt cũng là một khoản đầu tư.
Quản lý tài chính không phải là điều gì quá khó khăn, nhất là khi bạn có một phương pháp rõ ràng như phương pháp 6 hũ. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng việc chia thu nhập thành các khoản nhỏ là rắc rối, nhưng chính điều này giúp bạn đảm bảo chi tiêu có kế hoạch và không lo thiếu hụt khi cần thiết. Đây là một phương pháp rất phổ biến và bạn có thể tìm cũng như đọc thêm về nó để có nhiều mẹo hay ho hơn trên internet nhé.
(Phạm Minh Trung)
Tạo Nhiều Email Phụ Từ Một Email Gốc – Mẹo Hay Không Thể Bỏ Qua!
Bạn có bao giờ nghĩ rằng một email gốc của mình có thể “biến hóa” thành nhiều email phụ mà không cần đăng ký mới không? Việc này không chỉ giúp bạn tiện lợi hơn khi đăng ký các tài khoản online, mà còn giúp quản lý email tốt hơn. Hãy cùng mình khám phá cách làm cực đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả này nhé!
Vì sao nên tạo nhiều email phụ?
Hãy tưởng tượng: bạn đang tham gia chương trình ưu đãi, nhưng mỗi email chỉ được nhận khuyến mãi một lần. Hay bạn muốn thử nghiệm nhiều dịch vụ khác nhau nhưng không muốn tạo quá nhiều email mới. Thậm chí, đây còn là cách để bạn dễ dàng phân loại email cho công việc, mua sắm, hay các mục đích cá nhân. Thật tiện lợi đúng không?
Cách tạo nhiều email phụ từ email gốc
Giả sử bạn có email gốc là minhtrung99@gmail.com. Từ đây, bạn có thể tạo ra các biến thể như sau:
- Thêm dấu chấm (.) vào phần tên trước @gmail.com
Ví dụ:
minhtru.ng99@gmail.com
Tất cả các email trên đều sẽ nhận thư tại hộp thư chính của email gốc là minhtrung99@gmail.com.
- Sử dụng đuôi @googlemail.com
- Thay vì @gmail.com, bạn có thể dùng minhtrung99@googlemail.com. Đây là một mẹo hay nhưng ít người biết!
- Nếu kết hợp cả hai cách làm trên, bạn có thể tạo ra thêm rất nhiều email để sử dụng cho các mục đích riêng.
Lưu ý khi sử dụng
- Không dùng hai dấu chấm liên tiếp: Ví dụ như mi..nhtrung99@gmail.com, vì Google không chấp nhận định dạng này.
- Hạn chế quá nhiều dấu chấm (thường là >2 dấu chấm): Một số trang web có thể từ chối email có quá nhiều dấu chấm.
- Sử dụng đúng mục đích: Không nên lạm dụng cách này trên các nền tảng lớn hay trong các trường hợp yêu cầu tính bảo mật cao.
- Để tạo nhanh nhiều email cùng lúc, bạn có thể nhờ ChatGPT thực hiện và tổng hợp thành file excel để bạn tải xuống.
Hy vọng mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn làm chủ hộp thư của mình, tăng hiệu quả làm việc và quản lý email thông minh hơn. Nếu bạn có thêm mẹo nào hay ho, hãy chia sẻ cùng mình nhé!
(Phạm Minh Trung)
NÓI CHUYỆN CÓ DUYÊN VÀ CÓ CHIỀU SÂU, BÍ QUYẾT NẰM Ở ĐÂU?
Tôi kể bạn nghe một câu chuyện…
Có một chàng trai trẻ, lần đầu tiên bước vào quán cà phê gặp gỡ bạn bè. Nhưng thay vì hòa nhập vào cuộc trò chuyện, cậu ấy cúi đầu lướt điện thoại. Bạn bè nói gì cũng chỉ ừ hử cho qua. Dần dần, những cuộc hẹn chẳng còn ai nhớ đến cậu ấy nữa.
Còn ở một góc khác, một người đàn ông lớn tuổi ngồi cùng nhóm bạn. Ông kể chuyện bằng giọng điệu trầm ấm, cử chỉ tự nhiên, lời nói đơn giản nhưng cuốn hút. Ai cũng chăm chú lắng nghe. Ông chẳng phải người có tài ăn nói bẩm sinh, mà là người đã trải nghiệm, đã rèn luyện cách giao tiếp.
Bạn thấy đó, giao tiếp không đơn thuần là mở miệng nói chuyện. Nó là cả một nghệ thuật, một kỹ năng mà ai cũng có thể học được nếu biết cách.
MUỐN NÓI CHUYỆN THU HÚT, HÃY THAY ĐỔI CÁCH NÓI
Nhiều người nói chuyện mà chẳng ai muốn nghe, vì sao? Vì họ nói mà chẳng có sức hút!
Cách nói chuyện không chỉ là lời nói, mà còn là ngôn ngữ cơ thể. Một ánh mắt mạnh mẽ, một nụ cười chân thành, một giọng nói dứt khoát – đó là những điều khiến bạn trở nên thuyết phục. Nhưng nếu bạn chỉ biết cúi đầu vào điện thoại, lơ đễnh trong cuộc trò chuyện, thì làm sao người ta có thể kết nối với bạn?
Cách đơn giản nhất để cải thiện là đặt mình vào môi trường có nhiều sự tương tác: làm phục vụ, đi bán hàng, tham gia các công việc cần giao tiếp. Mỗi cuộc trò chuyện là một lần luyện tập. Hãy nói chuyện trước gương, tự điều chỉnh biểu cảm. Nói chưa hay? Không sao. Cứ nói, cứ sửa, cứ rèn luyện. Không có ai giỏi ngay từ đầu, nhưng ai cũng có thể giỏi nếu không bỏ cuộc.
NGÔN TỪ LÀ VŨ KHÍ, DÙNG SAO CHO SẮC BÉN?
Bạn muốn nói chuyện có chiều sâu? Trước tiên, hãy trau dồi vốn từ!
Muốn dùng từ chính xác, muốn diễn đạt lưu loát, hãy đọc nhiều sách, nghe những diễn giả giỏi, theo dõi những kênh chia sẻ nội dung chất lượng. Khi bạn nghe và đọc đủ nhiều, ngôn ngữ sẽ tự nhiên thấm vào tư duy của bạn. Cách bạn nói chính là kết quả của những gì bạn tiếp nhận mỗi ngày.
Thực tế, không ai sinh ra đã có khả năng ăn nói lưu loát. Nhưng ai cũng có thể luyện tập để cải thiện. Mỗi ngày, hãy đọc một đoạn văn, nghe một bài diễn thuyết, học một cách diễn đạt mới. Dần dần, bạn sẽ thấy mình thay đổi.
MUỐN NÓI CHUYỆN CÓ NỘI DUNG, PHẢI SỐNG CÓ TRẢI NGHIỆM
Lời nói mà không có nội dung thì cũng vô nghĩa.
Bạn muốn có chuyện để nói? Đọc nhiều sách, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Trải nghiệm chính là nguồn nguyên liệu giúp bạn có câu chuyện để chia sẻ. Nếu bạn có đam mê – bóng đá, âm nhạc, kinh doanh hay bất cứ thứ gì – hãy đào sâu vào nó. Khi bạn thực sự hiểu một thứ gì đó, bạn sẽ có hàng tá câu chuyện để kể.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao người lớn tuổi thường nói chuyện rất có chiều sâu? Vì họ đã sống, đã trải qua, đã tích lũy kinh nghiệm. Nếu bạn còn trẻ, hãy bắt đầu từ hôm nay. Đi ra ngoài, học hỏi, trải nghiệm, và tích lũy câu chuyện của riêng mình.
ĐỪNG LẦM TƯỞNG, KHÔNG PHẢI AI NÓI HAY CŨNG NÓI ĐÚNG
Có những người ăn nói trơn tru, nhưng toàn là lời hoa mỹ sáo rỗng. Nói hay không quan trọng bằng nói đúng!
Giao tiếp không phải là chỉn chu từng câu chữ mà là sự chân thành, sự thấu hiểu, sự chính xác. Khi bạn có trải nghiệm, có kiến thức thực sự, bạn không cần phải cố nói hay, lời nói của bạn tự nhiên sẽ có sức nặng.
HÃY BẮT ĐẦU NGAY TỪ HÔM NAY
Bạn không cần phải đợi đến khi hoàn hảo mới bắt đầu. Hãy thực hành ngay hôm nay: tập nói, tập nghe, tập quan sát. Cải thiện từng ngày, rồi sẽ có một ngày, khi bạn cất lời, người khác sẽ muốn lắng nghe.
Giao tiếp là kỹ năng – và bạn hoàn toàn có thể làm chủ nó. Chúc bạn sớm làm chủ nghệ thuật giao tiếp và khiến mọi cuộc trò chuyện trở nên ý nghĩa!
(Nguyễn Hoàng Quy)
NHỮNG MẸO VIẾT PROMPT CHO CHATGPT MÀ TÔI HỌC ĐƯỢC
ChatGPT không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn giống như một người bạn đồng hành. Sau một thời gian sử dụng, tôi nhận ra rằng nếu trò chuyện với AI một cách tự nhiên và thân thiện, thì phản hồi nhận được cũng sẽ trở nên gần gũi và hữu ích hơn. Dưới đây là một số mẹo mà tôi đã đúc kết được khi viết prompt cho ChatGPT.
Xem AI như một con người
Tôi không coi ChatGPT là một công cụ đơn thuần, mà xem nó như một người bạn. Khi tôi chia sẻ thông tin, sở thích và thói quen, AI sẽ dần nhớ và phản hồi tốt hơn. Điều này giúp cuộc trò chuyện trở nên liền mạch hơn, không bị lặp lại mấy câu trả lời kiểu “tôi là một mô hình ngôn ngữ AI bla bla…”
Ví dụ:
– Viết một bài quảng cáo sản phẩm:
– Ông ơi, tui đang bán trà thảo mộc nè, khách hàng là mấy người thích sống xanh, uống trà thay cà phê. Ông giúp tui viết một bài quảng cáo nhẹ nhàng, gần gũi được không? À, nhớ đừng cứng nhắc quá nha!
– Phản hồi nhận được: Một bài quảng cáo với giọng văn thân thiện, nhẹ nhàng, đúng đối tượng khách hàng, không quá cứng nhắc.
Trò chuyện thân thiện, vui vẻ
AI phản hồi theo cách mà tôi giao tiếp. Nếu tôi nói chuyện hài hước, ChatGPT cũng sẽ “bắt sóng” mà phản hồi y chang. Trò chuyện như bạn bè vậy đó, vừa vui vừa dễ hiểu nhau hơn.
Ví dụ:
– Hướng dẫn cách học tiếng Anh:
– Ông ơi, tui muốn học tiếng Anh mà thấy loạn quá, không biết bắt đầu từ đâu luôn. Ông bày tui một lộ trình dễ hiểu mà không gây đau não đi!
– Phản hồi nhận được: Một lộ trình học đơn giản, dễ áp dụng, có khi còn bonus vài câu động viên để tôi có động lực học nữa!
Nhờ vả một cách rõ ràng, cụ thể
Khi viết prompt, tôi luôn cố gắng nói rõ tôi cần gì. ChatGPT có thể đoán ý, nhưng nếu tôi nói mập mờ quá thì AI cũng bó tay.
Ví dụ:
– Viết bài về sức khỏe:
– Ông ơi, tui cần một bài khoảng 300 chữ nói về lợi ích của việc uống nước ấm buổi sáng. Nhớ chèn thêm vài ý nghe có vẻ khoa học để tăng độ uy tín nha!
– Phản hồi nhận được: Một bài viết có số chữ đúng yêu cầu, có thông tin khoa học, không lan man.
Trò chuyện thường xuyên để AI hiểu tôi hơn
Mỗi ngày, tôi đều tám chuyện với ChatGPT để nó hiểu tôi hơn. Kiểu như hai đứa nói chuyện lâu ngày, ông sẽ nhớ tôi thích gì, tôi cần gì, rồi tự động đề xuất những thứ hợp gu tôi luôn.
Ví dụ:
– Tôi hay hỏi về marketing, thế là sau này ông tự động gợi ý mấy nội dung liên quan mà tôi chưa kịp nghĩ tới.
– Tôi hay nhờ viết content giọng hài hước, riết rồi ông tự hiểu, không cần tôi dặn nữa.
– Phản hồi nhận được: Gợi ý thông minh, đúng sở thích, giúp tiết kiệm thời gian suy nghĩ.
Đây là kinh nghiệm cá nhân, không phải quy tắc chung
Mấy mẹo này là tôi tự đúc kết sau một thời gian xài ChatGPT phiên bản miễn phí. Ai dùng sẽ có trải nghiệm khác nhau, nhưng với tôi, cách này thực sự hiệu quả và giúp tôi tận dụng ChatGPT một cách tốt nhất.
Thử nghiệm và điều chỉnh
Bạn có thể dán các prompt của tôi vào ChatGPT hoặc thử viết prompt tương tự để xem kết quả cụ thể. Việc này giúp bạn hiểu rõ cách ChatGPT phản hồi và điều chỉnh cách viết prompt sao cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Hy vọng mấy mẹo này giúp bạn xài ChatGPT vui hơn, tiện hơn nha! Còn mẹo nào hay ho thì chia sẻ lại cho tôi với, mình cùng nhau nâng trình!
(Nguyễn Hoàng Quy)