Cây cỏ mực

Cỏ mực là một loại cây mọc hoang, chúng có mặt ở khắp nơi trong nước ta, nhưng chúng ta dễ tìm thấy chúng ở các đồng bằng và gần các con sông con suối hoặc những nơi có nguồn nước. Cỏ mực bị coi như một loại cỏ hoang khó tiêu diệt, gây hại cho mùa màng, làm phiền lòng bà con nông dân, bởi vì chúng rất dễ mọc và có sức sống rất cao. Từ lâu đời, cha ông chúng ta đã biết sử dụng cỏ mực như một loại thảo dược hằng ngày. Khi làm việc ngoài đồng, cỏ mực giống như một loại thần dược giúp bà con nông dân cầm máu mỗi khi cần, cỏ mực còn được các bà mẹ dùng như một vị thuốc hạ sốt hữu hiệu mỗi khi trẻ em bị sốt cao. Cỏ mực đã gắn bó với con người Việt Nam từ lâu đời, nhưng liệu chúng ta đã khai thác hết công dụng mà cây cỏ mực mang lại cho dân tộc Việt Nam hay chưa? Qua bài viết này, mình mong rằng mỗi chúng ta sẽ có thêm những kiến thức bổ ích về loại cỏ mọc hoang này, để tận dụng tối đa những gì mà đấng tạo hóa đã ban tặng cho loài người.
Cỏ mực còn có tên gọi khác là cây nhọ nồi hay hạn liên thảo. Trong khoa học cây cỏ mực có tên là Eclipta alba Hassk, (Eclipta erecta Lamk). Thuộc họ Cúc Astera Ceae (Compositae).
Cỏ mực là một loại cỏ mọc thẳng đứng, thân cao từ 50cm-80cm, thân có lông cứng. Lá mọc đối, có lông ở hai mặt, chiều dài lá khoảng 2cm-8cm, chiều rộng khoảng 5mm-15 mm. Cụm hoa hình đầu, có màu trắng, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành lá. Quả có hình tròn, dẹp, rộng 1,5mm.
Theo các nghiên cứu khoa học trước đây, trong cây cỏ mực có một lượng ít tinh dầu, tanin, chất đắng, caroten và chất ancaloic gọi là ecliptin. Có một sách nói chất ancaloic có trong cây cỏ mực gọi là nicotin.
Vào năm 1961, các nhà khoa học đã tìm được trong cây cỏ mực có chất wedelolacton là một cumarin lacton, chất nầy cũng có trong cây sài đất. Các nghiên cứu mới đây còn chỉ ra rằng trong cây cỏ mực có chất demetylwedelolacton và flavonozit.
Theo các cổ thư để lại, cỏ mực có tính mát, vị ngọt, chua, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận âm, chỉ huyết (cầm máu), dùng chữa can thận âm hư, lỵ, đi cầu ra máu, làm đen râu tóc. Nhân gian vẫn dùng cây cỏ mực vắt lấy nước uống để cầm máu trong rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu, ngoài ra còn dùng chữa ho, viêm cổ họng, dã nát đắp lên vùng mỏ ác của trẻ nhỏ có tác dụng rất tốt trong việc hạ sốt. Cỏ mực còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị suy thận mạn tính và các bệnh lí về thận. Mỗi ngày dùng từ 6gr-12gr dưới dạng thuốc sắc hoặc bào chế thành viên uống. Những người thợ nề dùng cỏ mực để xoa tay chữa bỏng rát do vôi. Có người dùng cỏ mực để chữa bệnh nấm ở ngoài da, làm thuốc mọc tóc, nhuộm tóc, bôi lên những chỗ trạm trổ trên da thịt để có màu tím đen. Các chị em phụ nữ còn dùng nước cốt của cây cỏ mực để quét lông mi, để lông mi có màu đen và mọc dài hơn. Hiện nay, cỏ mực đã có mặt trong các sản phẩm có uy tín cao được nhiều người ưu tiên sử dụng. Cỏ mực là một vị thuốc quý mà không hề hiếm hoi, có nhiều tác dụng quý đối với sức khỏe của con người. Mình mong rằng qua bài viết này sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho tất cả mọi người.
Hoàng Minh Trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *