Bốn món “đồ chơi” mà bất kì sinh viên khiếm thị nào cũng cần có

Trong tiêu đề, mình có nhắc tới sinh viên vì thường thì sinh viên hay những khán giả đang đọc bài viết này ít nhiều đều có một chút liên quan tới những người đang đi học. Tuy nhiên, đây là những vật dụng theo mình là khá hữu ích với các bạn khiếm thị, tất nhiên sẽ hữu ích nhất cho những ai có những đầu việc giống với sinh viên nhất. Cùng mình điểm qua xem nó là gì nha.

1. Bàn phím rời
Đây có thể coi là món đồ hữu hiệu nhất đối với sinh viên. Công việc chủ yếu của sinh viên là đánh máy. Thường các bạn sẽ cho rằng, khi đã có laptop thì không cần phải trang bị thêm bàn phím rời chi cho mất công. Tuy nhiên, vào một ngày không may, laptop bị liệt một vài phím nào đó, việc có một bàn phím rời sẽ giúp các bạn vượt qua thời điểm khó khăn đó.
Bên cạnh đó, bàn phím rời có thể giúp các bạn kết nối với điện thoại một cách dễ dàng. Vì sao cần kết nối với điện thoại? Một số ứng dụng chưa tiếp cận tốt với trình đọc màn hình trên máy tính, hoặc đơn giản là trên điện thoại thì chúng ta đã sử dụng thành thạo, khi sử dụng trên laptop sẽ tốn nhiều công sức hơn. Một trong số đó là zalo. Do đó, việc trang bị một bàn phím rời là rất cần thiết phải không?
Hiện nay, với mức giá chỉ hơn 70k, bạn có thể tìm cho mình một chiếc bàn phím có dây nhỏ gọn để đề phòng trường hợp bất trắc. Thêm 30k cho cổng otg (thiết bị kết nối bàn phím với điện thoại) là bạn đã có ngay bộ đồ dùng học tập hữu hiệu. Chỉ 100k mà mua lại sự yên tâm và đề phòng được các rủi ro thì quá rẻ đúng không?

2. Bàn phím Bluetooth
Ngày nay, nhiều bạn khiếm thị thích sử dụng điện thoại hơn. Để nhanh chóng trong việc gõ phím, nhiều bạn sẽ lựa chọn bàn phím chữ nổi (chữ Braille) hoặc nhập giọng nói. Nếu sử dụng được chữ Braille thì quá tuyệt vời, nhưng nếu phải nhập giọng nói thì quá bất tiện đúng không, nhất là trong môi trường yên tĩnh như lớp học. Do đó, một chiếc bàn phím bluetooth là một lựa chọn tuyệt vời. Bàn phím bluetooth vừa nhỏ gọn, tiện lợi và không dây nhợ rườm rà. Tuy nhiên, nhược điểm có thể là độ trì hoãn của nó. Với kinh nghiệm của mình, nếu không biết đó là bàn phím có dây hay không dây mà chỉ gõ thử với điện thoại, dựa vào độ trễ, bạn sẽ không nhận ra đó là bàn phím bluetooth đâu. Điều này có nghĩa là, độ trễ trong bàn phím bluetooth gần như bằng không. Một nhược điểm khác của bàn phím Bluetooth là pin. Tuy nhiên, bạn có thể giải quyết được vấn đề này.
Hiện mình đang dùng bàn phím Bluetooth Logitech K380 (giá trên dưới 600k). Bàn phím với kết cấu là các phím hình tròn, nhỏ gọn, đầm tay, gõ êm, hành trình phím sâu, pin khá lâu và thay dễ dàng. Ưu điểm vượt trội của nó là có thể kết nối đồng thời ba thiết bị và nhanh chóng chuyển qua lại giữa các thiết bị bằng các phím ở tại vị trí f1, f2, f3. Giả sử, khi đang làm bài trên laptop, bạn nhận được tin nhắn từ Telegram (một ứng dụng nhắn tin với độ bảo mật cao), thay vì cầm điện thoại lên, với vài thao tác, bạn có thể trả lời tin nhắn một cách dễ dàng. Mình lấy ví dụ telegram vì ứng dụng này tiếp cận với người khiếm thị tốt hơn ở trên điện thoại. Nhược điểm duy nhất của bàn phím này là mình quên thay pin, nhưng pin sử dụng phải gần 12 tháng mới hết, và pin của nó là pin AAA, có thể mua rất rẻ và dễ dàng ở tiệm tạp hóa. Với sự tiện lợi như vậy, nếu công việc của bạn cần chuyển đổi qua lại giữa điện thoại và máy tính, bạn có thể cân nhắc về mẫu bàn phím này hoặc những mẫu bàn phím với chức năng tương tự.

3. Máy scan
Là sinh viên khiếm thị, bạn thường dùng tài liệu điện tử download từ internet đúng không? Tuy nhiên, một số giáo trình không được tìm thấy trên internet vì nhiều lí do. Một chiếc máy scan sẽ giúp bạn chuyển từ những cuốn sách giấy thành một phiên bản tài liệu điện tử.
Dòng máy scan mình đang dùng là Canon Lide 120. Mức giá lúc mình mua năm 2018 là 1.3 triệu trên Tiki.Hiện nay, bạn có thể mua các dòng tiếp theo của dòng Canon Lide với giá cũng vậy nhưng máy đời mới hơn như Canon Lide 300 để cho ra chất lượng ảnh tốt hơn.
Ngoài chức năng chuyển đổi tài liệu, máy scan có thể giúp mình thi trực tiếp trên trường mà không cần phải nhờ tới phòng khảo thí làm đề, việc này sẽ giúp mình chủ động hơn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của máy scan là đôi lúc nó scan bị thiếu chữ, mình chưa tìm ra nguyên nhân, có thể là do bản trên giấy bị mờ. Bên cạnh đó, khi chuyển đổi từ pdf sang word, văn bản chỉ đúng khoảng 80% đối với tiếng Việt, nhưng chúng ta có thể hiểu và sửa nếu thấy cần thiết.

4. Micro không dây cho điện thoại
Mình khá phân vân khi xếp phụ kiện này là những món cần thiết cho sinh viên, vì có thể đặc thù của ngành học và môi trường học tập của mỗi người không liên quan. Nhưng qua những bạn sinh viên mình tiếp xúc, nhận thấy một số bạn cần nên mình chia sẻ về món “đồ chơi” này.
Chỉ trên dưới 300k, chúng ta đã có một thiết bị dùng để quay video với chất lượng âm thanh tốt hơn để nộp cho giảng viên. Bên cạnh đó, một số ngành học có thể tận dụng micro này để phỏng vấn và thu âm. Ngoài ra, khi học online, thay vì chuyển qua lại các cửa sổ trên ứng dụng để bật tắt mic, các bạn có thể thực hiện luôn thao tác này chỉ trên một nút bấm của mic.
Chiếc micro không dây gồm hai phần:
– Phần cắm trực tiếp vào điện thoại (gọi tắt là rx) có thể tương thích với các dòng máy type-C và lightning có hỗ trợ kết nối otg. Để chắc chắn biết máy cóhỗ trợ otg không, các bạn có thể gọi điện hỏi cửa hàng Thế Giới Di Động hoặc phòng tư vấn khiếm thị của Nhật Hồng.
– Phần mic kẹp trên cổ áo (gọi tắt là tx) sẽ có một nút bấm. Trọng lượng của nó chỉ từ 6-8 gam nên rất nhỏ. Chỉ cần bấm nút bấm một lần để bật và ngắt mic nên rất tiện lợi.
Công nghệ kết nối wireless sẽ cho ra độ ổn định khi sử dụng. Đồng thời, pin mỗi lần sạc có thể sử dụng liên tục từ 5-6 tiếng (trong tầm giá trên dưới 300k), quá đủ cho một buổi học online hay một buổi phỏng vấn đúng không?

Trên đây là bốn món “đồ chơi” theo mình là rất cần thiết cho sinh viên. Với những lợi ích mà nó mang lại, hi vọng các bạn sinh viên sẽ tận dụng nó để nâng cao hiệu suất học tập và công việc trong cuộc sống của các bạn.

(Phạm Minh Trung)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *