Với một số bạn khiếm thị chắc cũng không lạ gì với Be My Eyes, một ứng dụng hữu ích giúp chúng ta khi cần sự hỗ trợ từ những bạn sáng mắt.
Be My Eyes (Hãy là đôi mắt của tôi) là một ứng dụng kết nối người khiếm thị hoặc thị lực kém với các tình nguyện viên thông qua internet. Với camera của điện thoại, người khiếm thị có thể cho tình nguyện viên thấy những gì họ đang nhìn vào trong thế giới thực và các tình nguyện viên sẽ trợ giúp họ một số vấn đề. Be My Eyes đã có hơn 35.000 người khiếm thị hoặc thị lực kém đăng ký sử dụng và hơn 500.000 tình nguyện viên tham gia trợ giúp. Đặc biệt, Be My Eyes có khá nhiều tình nguyện viên sáng mắt có thể nói được tiếng Việt. Bất kỳ khi nào người sử dụng có yêu cầu trợ giúp, các tình nguyện viên sẽ nhận được một thông báo và ứng dụng này sẽ thực hiện kết nối video qua camera sau.
Như vậy, người khiếm thị có thể “xem” được hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, “đọc dòng lệnh trên máy tính khi chưa vào windows, bắt xe buýt (nếu không sợ mất điện thoại),… và còn nhiều công dụng khác nữa. Vậy cùng tải và trải nghiệm thôi nào. Lưu ý: Đây là bài viết cho cá nhân cần được hỗ trợ (khiếm thị). Bài dành cho tình nguyện viên sẽ có trong lần tới nhé.
– Bước 1: Các bạn có thể tải ứng dụng tại Google Play và App Store bằng từ khóa Be My Eyes
– Bước 2: Lựa chọn vào mục “Tôi bị mù hoặc có thị lực kém”
– Bước 3: chọn “tôi là người mới” (nếu lần đầu cài đặt ứng dụng”, chọn đăng nhập (nếu đã có tài khoản) và điền các thông tin như hệ thống yêu cầu
– Bước 4: Cấp các quyền camera, micro phone, ghi âm để hoàn tất.
– Khi cần hỗ trợ một vấn đề , bạn vào ứng dụng và chọn mục “gọi tình nguyện viên đầu tiên sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi”. Một cuộc gọi video sẽ kết nối bạn với tình nguyện viên bằng camera sau. Bạn nên ở nơi có đủ ánh sáng (phòng có bật điện) và cố gắng hết sức giữ cố định máy khi được hướng dẫn di chuyển để chất lượng hình ảnh tốt nhất giúp thuận lợi cho việc hỗ trợ nhé.
Vì hầu hết tình nguyện viên ở nước ngoài nên ngôn ngữ thường sử dụng là tiếng Anh. Tuy nhiên, mình và những bạn khiếm thị khác đã gặp khá nhiều tình nguyện viên là người Việt nam. Vì vậy, các bạn có thể hỏi tình nguyện viên đang kết nối có sử dụng được Tiếng Việt không để tiện cho sự trợ giúp (nếu cần).
Ngoài ra ứng dụng còn có thêm mục “hỗ trợ chuyên môn”. Các bạn có thể tự mày mò thêm nhé.
Chúc bạn ngày càng hạnh phúc với ứng dụng hữu ích này.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời