Hai năm đầu với cuộc sống tự lập, mình chỉ ở một mình nên giải pháp tối ưu với mình là ăn ngoài vì điều này tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, mình đã ở chung cùng bạn nên việc ăn tại nhà là giải pháp ích nước lợi nhà, bởi an toàn về cả mặt sức khỏe lẫn tiết kiệm về mặt tiền bạc. Qua việc trao đổi và quan sát cuộc sống của nhiều bạn sinh viên khác (cả sáng mắt lẫn khiếm thị), mình để ý các bạn hay “than” với mình là mua về nấu thì cũng vui, mà tốn kém quá. Bài viết này là những chia sẻ về cách mình đã tối ưu chiếc tủ lạnh thế nào để bữa ăn vừa dinh dưỡng, nhưng cũng thất tiết kiệm.
1. “đi chợ” tại nhà
Trước khi rời nhà để mua sắm, hãy kiểm tra kỹ tủ lạnh và ngăn bếp của bạn để đảm bảo rằng bạn không mua những thứ mà bạn đã có sẵn. Thói quen này giúp bạn tránh việc mua lặp lại những nguyên liệu như hành, tỏi, gừng, gia vị và rau thơm, những thứ thường bị quên nhất. Việc xem xét lại thực phẩm trong nhà cũng là cơ hội để loại bỏ những món đã quá cũ, hết hạn hoặc không còn sử dụng được nữa.
Hãy luôn đi chợ với một danh sách mua sắm chi tiết. Đừng chỉ nhớ trong đầu mà hãy viết nó ra giấy hoặc ghi vào điện thoại. Hành động này không chỉ giúp ta mua đủ những thứ cần thiết mà còn ngăn chặn bạn khỏi việc mua sắm theo cảm xúc khi bị cuốn hút bởi hàng loạt hàng hóa ngoài chợ. Danh sách mua sắm cũng không cần phải quá cứng nhắc. Nếu phát hiện một món tươi ngon và giá rẻ ngoài chợ mà không có trong danh sách, hãy yên tâm mua thêm. Tuy nhiên, hãy hạn chế việc mua chỉ trong khoảng 1-2 món nhỏ nằm ngoài danh sách để tránh việc mua quá mức. Đi chợ với một danh sách cố định cũng giúp kiểm soát số tiền tiêu mỗi lần đi mua sắm, giúp ta dễ dàng tính toán nguồn lực tài chính đã chi cho thực phẩm mỗi tháng.
2. Học cách sáng tạo với những thứ đang có
Hãy sử dụng sự sáng tạo của bản thân với những gì đã có. Thay vì chạy ra ngoài mua nguyên liệu mới mỗi khi nảy ra ý tưởng nấu món mới, hãy thử xem xét các thành phần có sẵn trong tủ lạnh và ngăn bếp. Bằng cách này, ta có thể tạo ra các món ăn khác nhau hoặc thay thế nguyên liệu một cách thông minh để đạt được hiệu quả món ăn mong muốn. Tương tự như việc tối giản hóa tủ quần áo, khi giảm bớt số lượng nguyên liệu trong nhà, chúng ta sẽ khám phá ra những cách sáng tạo mới, tạo ra các phối hợp ẩm thực đa dạng từ những gì có sẵn. Hãy cố gắng làm sạch tủ lạnh và kệ bếp của mình trước khi nghĩ đến việc mua sắm thêm, bạn sẽ ngạc nhiên với khả năng sáng tạo của mình!
3. Hạn chế số lần đi chợ
Hãy giới hạn việc đi chợ chỉ trong khoảng từ 1-3 lần mỗi tuần. Ở Việt Nam, chợ mở mỗi buổi sáng, việc mua sắm trở nên rất dễ dàng khi chỉ cần bước ra ngoài là có thể mua được những thứ cần thiết. Tuy nhiên, việc đi chợ quá thường xuyên không chỉ tốn thời gian mà còn dễ khiến bạn mua những sản phẩm không cần thiết và không khuyến khích việc sử dụng những nguyên liệu đã có sẵn tại nhà. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc giảm số lần đi chợ giúp bạn tiết kiệm được tiền hàng tuần và giảm lượng thực phẩm thừa thải. Đương nhiên, số lần đi chợ trong tuần phụ thuộc vào số lượng người ăn trong gia đình, phương tiện đi lại và tình hình tài chính; đề xuất này chỉ mang tính chất gợi ý để quản lý thời gian và chi tiêu, không phải là cách ép gia đình phải hạn chế ăn uống hay chịu đựng thiếu thốn.
4. Sơ chế đồ ăn trước
Nếu có khả năng, hãy chuẩn bị trước các bữa ăn từ 3 ngày đến 1 tuần trước (kỹ thuật được gọi là “meal prep”). Mặc dù việc chuẩn bị ăn trước cho cả tuần không phổ biến như ở các nước phương Tây, nhưng đây là một thói quen hữu ích. Có nhiều cách để chuẩn bị đồ ăn tùy thuộc vào mong muốn cá nhân, từ việc rửa và cắt sẵn rau cải cho đến việc nấu sẵn các món ăn và đóng gói vào hộp. Phương pháp này tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc phải chuẩn bị mỗi bữa ăn ngày nào, từ việc chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng và trang trí món ăn. Thay vì phải dành thời gian mỗi ngày vào việc này, bạn chỉ cần dành một buổi chiều hoặc tối vào cuối tuần để chuẩn bị ăn cho cả tuần tiếp theo.
Mình để ý và thấy phương pháp này cũng hữu ích cho các gia đình có con nhỏ cần chuẩn bị đồ ăn sáng hoặc cho những người đi làm cần mang theo đồ ăn trưa. Mỗi sáng, bạn chỉ cần lấy hộp đồ ăn từ tủ lạnh và mang theo khi đi làm hoặc đi học. Mặc dù có thể ban đầu bạn cảm thấy lo lắng rằng đồ ăn hâm lại không giữ được hương vị và nhiệt độ như khi vừa nấu, nhưng khi trở nên quen với việc này và biết cách lựa chọn các món ăn có thể hâm lại mà vẫn giữ ngon miệng, bạn sẽ nhận ra sự tiện lợi và hiệu quả của việc này, đặc biệt là đối với những gia đình bận rộn.
Là người khiếm thị, bạn có thể nhờ gia đình mua và sơ chế thực phẩm trước, sau đó cấp đông trong tủ lạnh và lấy ra ăn dần. Đó có thể là những món cần nhiều thời gian để sơ chế (như gà kho xả, sườn nướng),…
5. Chọn thực phẩm đa năng
Hãy tìm những thực phẩm có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vì mua số lượng lớn với giá ưu đãi, mà còn giúp bạn tránh việc mất công đi chợ nhiều lần và ngán ngẩm trước việc ăn những món giống nhau. Thông thường, tủ lạnh mình lúc nào cũng có trứng, thịt heo, cà chua. Đây là những món rất cơ bản, nhưng có thể nấu ra rất nhiều món từ đó.
6. Tình huống khi có khách đến nhà
Khi có khách đến nhà, hãy tránh việc bày biện mâm cỗ quá phô trương. Mỗi lần chuẩn bị một bữa ăn lớn đều đòi hỏi sự mệt mỏi từ việc nấu nướng, mua sắm đến việc dọn dẹp sau bữa ăn. Để giảm bớt gánh nặng này, phương pháp tốt nhất (theo quan điểm của mình) khi tiếp khách là mỗi người đóng góp một món cho bữa ăn. Ai có kỹ năng nấu ăn có thể mang theo món tự chuẩn bị, còn ai không biết nấu có thể đóng góp hoa quả hoặc đồ ăn tráng miệng đã mua sẵn. Như vậy, không chỉ giảm bớt gánh nặng của chủ nhà mà còn đảm bảo mỗi người đều có món ăn mà họ thích.
Nếu bạn không thể tránh khỏi việc tự mình nấu ăn cho khách, hãy cố gắng tận dụng những gì bạn đã có trong tủ bếp và nấu những món đơn giản với số lượng lớn để mọi người có thể chung vui bữa ăn, thay vì chuẩn bị nhiều món khác nhau. Các lựa chọn như lẩu, phở, bún, hoặc cơm dĩa có thể là những gợi ý tốt.
Ngoài ra, khi khách đến nhà ăn, không phân biệt nam nữ, tất cả mọi người nên giúp đỡ chủ nhà chuẩn bị bữa ăn và sau khi ăn xong, nên chung tay dọn dẹp. Điều này không chỉ là phép lịch sự thông thường mà còn là một hành động làm gương cho con cái khi họ tiếp khách tại nhà hoặc khi đi ăn cơm mời. Nói cho cùng, chúng ta đến nhà nhau chơi đâu phải vì bữa ăn, mà là vì tình cảm chúng ta dành cho nhau mà đúng không?
Nhìn chung, việc tối ưu nguồn thực phẩm trong một không gian sống với nhiều người không phải quá khó. Quan trọng là mỗi chúng ta chịu khó tìm hiểu những phương pháp và áp dụng thử để rồi đánh giá hiệu quả của nó sau mỗi lần áp dụng để tự rút ra những cách thức phù hợp nhất đối với chúng ta.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời