Không khí tĩnh lặng thiêng liêng trong các thánh lễ tĩnh tâm và những giờ giải tội báo hiệu bốn mươi ngày chay thánh sắp kết thúc. Những người tín hữu Ki-tô giáo đang chuẩn bị tâm hồn để tham dự vào Tam nhật Thánh và bước vào mùa Phục sinh.
Theo lịch Công giáo, mùa Chay kết thúc với Tam nhật Thánh, đây là ba ngày lễ cực trọng trong năm phục vụ. Và mùa Phục sinh bắt đầu vào Chủ nhật sau Tam nhật Thánh, gọi là Chủ nhật thứ I Phục sinh. Sự kiện này thường rơi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 Dương lịch. Tam nhật Thánh và mùa Phục sinh được tiến hành với mục đích tưởng niệm mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng sống. Đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Tam nhật Thánh được cử hành vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy tuần Thánh với các nghi thức và ý nghĩa đặc trưng. Trong thánh lễ thứ Năm tuần Thánh, linh mục cử hành nghi thức “rửa chân” để tưởng nhớ khi xưa Chúa Giê-su hạ mình rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Thông qua nghi thức này, linh mục công bố giới răn yêu thương mà Chúa Giê-su truyền lại: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”. Thánh lễ thứ Sáu tuần Thánh được cử hành trong không khí vô cùng thiêng liêng để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su Ki-tô. Vì yêu thương thế gian mà Người phải chịu biết bao đau khổ và chết trên cây Thập giá để chuộc lại tội lỗi của nhân loại. Thử hỏi còn tình yêu nào cao hơn tình yêu dám chết vì người mình yêu? Thánh lễ thứ Bảy tuần Thánh hay còn gọi là lễ Vọng Phục sinh với nghi thức thắp nến phục sinh. Ngọn lửa từ nến phục sinh như ánh sáng của tình yêu đã xé tan bóng tối tội lỗi và mang lại một hy vọng mới cho con người. Ngọn lửa ấy còn nhen nhóm cho một niềm vui mới bừng cháy. Đó là niềm vui mừng Chúa sống lại và cũng chính là niềm vui lại được làm con cái Thiên Chúa – con cái sự sáng. Niềm vui ấy được kéo dài trong suốt mùa Phục sinh. Ở phương Tây, trong ngày lễ Phục sinh thường có các biểu tượng đặc trưng như trứng phục sinh và thỏ phục sinh. Còn ở phương Đông, người ta thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ trong gia đình để mừng lễ.
Dù là ở phương Đông hay phương Tây hay ở bất kì nơi nào trên thế giới thì những người Ki-tô hữu cũng có một điểm chung. Đó chính là: họ cùng nhau chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng để sống lại mầu nhiệm Thánh. Họ say mê và đắm chìm trong đại dương lòng thương xót của Chúa Giê-su Tử nạn và họ vui chung niềm vui phục sinh trong Ngài.
Nhân ngày lễ Phục sinh đang tới gần, chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Ki-tô Tử nạn và Phục sinh cho đại dịch Covid 19 mau chóng qua đi để không còn sự sợ hãi, không còn tiếng khóc than, không còn sự ly biệt và mọi người trên thế giới được hưởng niềm vui Phục sinh trọn vẹn.
Người viết: Thu Uyên
Trả lời