Cũng giống như các quan điểm hay phong cách sống khác nhau, Chủ nghĩa tối giản thường đối diện với những nghi ngờ, lo ngại, và chỉ trích từ đám đông, vì nó đối lập với “chuẩn mực” số đông. Nỗi sợ hãi về việc thay đổi thường là điều thực sự, đặc biệt khi ta chưa có đủ thông tin về Chủ nghĩa tối giản và không biết chắc chắn rằng lối sống mới này sẽ ảnh hưởng cuộc sống của mình như thế nào trước khi trải nghiệm thực tế. Đây là những xuy nghĩ và cảm nhận của mình sau các cuộc trò chuyện cùng bạn bè về chủ đề này.
1. Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho người giàu
Có người nghĩ rằng, Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho những người có điều kiện vì chỉ họ mới có thể loại bỏ những thứ không cần thiết. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Những người cực giàu như vị CEO của Meta chỉ xuất hiện với quần jean và áo thun và ông chia sẻ, đó là thứ giúp ông tiết kiệm thời gian. Tất nhiên, đây là cách ông chọn để tiết kiệm thời gian, chưa chắc ông đang theo đuổi lối sống tối giản, nhưng ví dụ này phần nào cho thấy, người giàu cũng có cách tối giản theo ý của họ, miễn là họ lựa chọn điều đó. Ngược lại, những người chưa giàu như mình – người đang ngồi viết ra bài này cũng có thể tối giản với không gian sống đơn giản, tinh gọn. Do đó,
chủ nghĩa tối giản không chỉ áp dụng cho một tầng lớp xã hội cụ thể, mà nó là quyết định của một cá nhân.
2. Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho người trẻ không gia đình
Mặc dù người trẻ thường dễ thực hiện Chủ nghĩa tối giản hơn do họ có thể thay đổi lối sống nhanh hơn, nhưng điều này không có nghĩa là người lớn tuổi và có gia đình không thể làm được. Cả hai người có ảnh hưởng trong phong cách sống tối giản và là nguồn cảm hứng để mình chia sẻ chủ đề này là Giang Ơi và Chi Nguyễn đều ở độ tuổi trung niên và có gia đình. Chủ nghĩa tối giản đã thay đổi cuộc sống của họ và gia đình theo hướng tích cực.
Điểm đặc biệt của Chủ nghĩa tối giản chính là bạn không cần phải thuyết phục hoặc ép buộc người khác thay đổi theo lối sống này. Chỉ cần tập trung vào việc tối giản hóa cuộc sống của mình, “phép màu” sẽ tự nhiên diễn ra với những người xung quanh. Mình tin rằng mọi người, ở mọi độ tuổi và hoàn cảnh gia đình, đều có thể tối giản hóa cuộc sống của mình, miễn là họ tin rằng đây là cách làm cho cuộc sống của họ và gia đình trở nên tốt đẹp hơn. Sự thật, bạn gái mình vốn không theo đuổi chủ nghĩa tối giản, nhưng bằng cách nào đó, mình cũng không ép buộc, bạn ấy cũng bắt đầu tối giản dần trong tư duy và đồ đạc trong cuộc sống thường ngày. VÀ đó là điều kì dịu mà chủ nghĩa tối giản đem lại cho mình.
3. Tối giản không có nghĩa là nhàm chán
Nhiều người khi mới tìm hiểu về Chủ nghĩa tối giản thường nghĩ rằng tối giản sẽ làm cuộc sống trở nên nhàm chán. Họ nghĩ như vậy bởi họ tin rằng với nhiều đồ đạc, cuộc sống sẽ phong phú hơn. Thế nhưng bạn đã từng nghe những bạn trẻ với rất nhiều đồ đạc trong tủ nhưng mỗi khi có dịp giảm giá của các trang thương mại điện tử là lại mua chưa? Và cũng chính những bạn trẻ ấy, trước khi đi chơi luôn đứng trước tủ đồ và luôn tự hỏi về việc không biết mặc thứ gì.
Trong bài viết đầu tiên của mình về chủ đề này, tối giản không đơn thuần chỉ là việc sắp xếp và tinh gọn lại đồ đạc, mà đó là lựa chọn để giúp cuộc sống của cá nhân chúng ta trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn khi chúng ta quyết định loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta quá nhiều (như đồ đạc, mối quan hệ, các việc làm vô bổ). Khi lựa chọn sống tối giản với tâm thế ưu tiên cho một tâm hồn khỏe mạnh, dần già bạn sẽ cảm thấy tối giản không nhàm chán, ngược lại nó giúp chúng ta có nhiều năng lượng hơn để tận hưởng cuộc sống.
4. Tối giản không phải là lãng phí
Việc đầu tiên để tối giản cuộc sống là loại bỏ nhiều món đồ ra khỏi cuộc sống. Trong đó, có những món đồ không tên, không có ý nghĩa. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những món đồ mà ta gắn cho nó một ý nghĩa liên quan tới một sự kiện nào đó. Tất nhiên, mặc dù không dùng tới, nhưng việc loại bỏ các món đồ ấy quả thật không dễ. VÀ việc loại bỏ nhiều món đồ ra khỏi cuộc sống của bản thân được cho là lãng phí.
Tuy nhiên, sự thật là, tối giản hoàn toàn không phải là lãng phí. Nếu bạn giữ một món đồ suốt một năm, thậm chí hàng năm mà không sử dụng đến, đó mới là lãng phí! Khi số lượng đồ đạc giảm đi, bạn có thể tận dụng tất cả chúng với mục đích sử dụng thực tế, điều này không chỉ tối giản mà còn tối ưu hóa cuộc sống. Từ khi chuyển sang lối sống tối giản, mình đã học cách trân trọng những vật dụng của mình hơn. Bây giờ, mình mua sắm cẩn thận hơn. Tôi quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Tối giản không chỉ không lãng phí mà còn giúp mình tiết kiệm nhiều tiền bằng cách giảm việc mua sắm không cần thiết.
5. Tối giản không phải là keo kiệt hoặc phá hoại nền kinh tế
Ngược lại với quan điểm trước đó, nhiều người cho rằng tối giản là biểu hiện của sự keo kiệt. Họ lo lắng rằng nếu mọi người đều ngừng mua sắm, nền kinh tế sẽ suy thoái. Đây cũng là một trong những lý do thường gặp về Chủ nghĩa tối giản dưới góc độ thương mại. Nhưng như tôi đã viết trước đó, những người sống theo Chủ nghĩa tối giản vẫn tiêu tiền hàng ngày cho những thứ cần thiết. Họ chỉ giới hạn việc mua sắm các sản phẩm ngoài lề, và khi mua, họ lựa chọn cẩn thận, quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Thậm chí, họ còn chú ý đến việc sản xuất của các công ty có đạo đức không, liệu chúng đã được kiểm nghiệm trên động vật hay không, và có gây hại cho môi trường không. Điều này không chỉ không làm hủy hoại nền kinh tế mà còn giúp thanh lọc thị trường. Thay vì tạo ra sự cạnh tranh dựa trên số lượng và giá trị tăng thêm không cần thiết, Chủ nghĩa tối giản thúc đẩy sự cạnh tranh dựa trên chất lượng và đạo đức. Những người tiêu dùng tối giản chú trọng vào việc ủng hộ các công ty có ảnh hưởng tích cực đối với môi trường và cộng đồng. Họ chọn lựa các sản phẩm và dịch vụ từ những doanh nghiệp thực sự chú trọng đến quyền lợi của người lao động, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên, và hỗ trợ các nguyên tắc công bằng và minh bạch.
6. Chủ nghĩa tối giản – Hành trình không có hồi kết
Tối giản không có nghĩa là chỉ một lần dọn dẹp đồ đạc, hay thực hiện theo một chu kì nào đó, mà nó là sự quan sát và tìm cách đưa tư duy tối giản vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Câu hỏi “làm thế nào để đơn giản hóa điều này” là điều mình luôn suy nghĩ trong đầu khi đối diện với một vấn đề nào đó.
Sự thú vị nhất của chủ nghĩa tối giản chính là hành trình không có hồi kết. Mỗi ngày, chúng ta có thể học hỏi điều mới, nhận thức được rằng tri thức của con người không có giới hạn và cuộc sống của chúng ta luôn có thể trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi ngày là một cơ hội để khám phá thế giới xung quanh và chúng ta không bao giờ ngừng tìm kiếm sự đơn giản, sự sâu sắc và ý nghĩa trong cuộc sống của mình.
Trên đây là những quan điểm của mình về những hiểu lầm mà một số bạn đang và sẽ theo đuổi lối sống này có dịp trò chuyện cùng mình. Hy vọng những chia sẻ này sẽ phần nào gợi mở và khuyến khích mỗi chúng ta trên hành trình đi tìm sự tối giản dành cho bản thân nhé.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời