KÝ ỨC

Người ta nói tuổi 18 và những năm tháng cấp ba là khoảng thời gian đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong đời người. Tôi là một người khiếm thị, tôi đi học hòa nhập từ nhỏ, nhưng đối với tôi những năm cấp 1, cấp 2 mới là thời gian đẹp nhất. Bạn có biết tại sao không?
Những năm còn nhỏ tuổi những đứa trẻ chơi với nhau một cách ngây thơ và hồn nhiên nhất. Ở đó chúng tôi không suy nghĩ bạn này giàu hay nghèo, bạn này xấu xí hay đẹp gái,… Tôi bị bắt nạt, và cũng đi bắt nạt bạn khác. Và chúng tôi làm hòa chỉ cần mấy cục kẹo là đủ. Cái thời ấy đẹp biết bao, tôi không có khoảng cách với các bạn, tôi chơi nhảy dây, đuổi bắt, trốn tìm, ném bóng,… dù là nhiều lúc tôi chẳng thấy trái bóng đâu. Nhưng mà tôi thực sự vui lắm. Sang năm cấp ba, tôi học ở một trường trung học phổ thông của xã khác, đó là một trường lớn, mà học sinh 3 trường trung học cơ sở thi vào, trong đó có trường của chúng tôi. Thi vào để chia ra hệ công lập với bán công tổng cộng tới 14 lớp. Lúc đó lớp tôi học toàn những bạn xa lạ. Và tôi bắt đầu hành trình với những người bạn mới này. Nhưng khi lớn khôn, khi hiểu chuyện sao tôi thấy nó khó quá. Tôi cố gắng nói chuyện, hòa đồng với các bạn nhưng thật ngượng ngùng. Các bạn rất tử tế với tôi, đi đâu cũng dìu tôi vì sợ tôi ngã. Không để tôi làm công tác trong lớp. Nói chuyện với tôi luôn giữ ý tứ chừng mực, dường như sợ nói lỡ lời tôi buồn. Tôi cố gắng tạo ra không khí thoải mái nhưng cuối cùng cũng rất ngượng nghịu. Các bạn xưng hô với nhau là “mày-tao”, nhưng khi nói chuyện với tôi thì là “bà-tui”. Lâu dần trở thành khoảng cách, trở thành bức tường mà tôi không thể thoát ra được. Lớp tôi là lớp hệ công lập. Tôi học cũng nằm trong top 10 của lớp. Tôi nhớ khi tôi được học sinh giỏi, trong khi cả trường có rất nhiều học sinh giỏi. Chỉ mình tôi được tuyên dương là “học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tập”. Thầy cô bảo tôi “có tật có tài”. Bài văn của tôi cũng như các bạn nhưng tôi lại được tuyên dương cộng thêm điểm khích lệ. Tôi là tấm gương được thầy cô đem ra so sánh rằng “bạn không nhìn thấy còn học tốt, các em xem lại mình đi…”. Tôi không thích những điều đó một chút nào. Tôi học khá, nhưng không quá giỏi, quá nổi bật để được tuyên dương như thế. Tôi chỉ muốn là một học sinh bình thường, được bạn bè và thầy cô công nhận khi chính tôi đạt thành tích nổi bật gì đấy, chứ không phải là để khích lệ động viên tôi. Cũng kể từ ấy khi tôi được điểm cao trong bải kiểm tra gì đấy, có một vài bạn lại nói với nhau rằng, do tôi là học sinh khiếm thị nên thầy cô có phần khích lệ nên mới được điểm cao. Và tôi ngày càng tự ti, ngày càng không muốn thể hiện bản thân mình. Tôi cô đơn lắm, thời học sinh có phải bạn thích nhất là giờ trống tiết, giờ ra chơi không. Nhưng tôi ghét nó vô cùng, vì tôi không có ai để nói chuyện, không có ai để chơi cùng. Giờ ra chơi tôi chỉ ngồi một mình, hoặc là giả vờ ngủ gục. Các bạn không xa lánh tôi, nhưng khi nói chuyện, tôi luôn cảm giác bầu không khí ngượng ngùng lắm. Tôi như một phần tách biệt với cả lớp…
Dù là có áp lực đấy, có buồn đấy, nhưng tất cả đã chìm sâu vào kí ức. Tôi cũng tìm thấy niềm vui cho mình. Tôi vẫn còn những người bạn thân thiết từ cấp 2. Và rồi học hành thi cử tấp nập cũng làm tôi quên đi phần nào nỗi sầu. Tôi vẫn còn thầy cô thương tôi, những người bạn luôn tử tế với tôi. Tôi còn gia đình, còn có chị gái sinh đôi, luôn đồng hành và chia sẻ với tôi. Những năm đó, cũng là năm tôi học đòi chơi mạng xã hội, và toàn lên mạng tâm sự với những người xa lạ tìm kiếm niềm vui. Và hiển nhiên lúc đó tôi không dám nói với những người bạn qua mạng của mình tôi là một người khiếm thị. Nói chung tôi đã vượt qua được những năm tháng cấp ba ấy.
Bây giờ, tôi đã là một cô sinh viên đại học tự tin, mạnh mẽ. Tôi suy nghĩ thoáng hơn và cởi mở hơn rất nhiểu. Tôi sống là chính mình, tích cực và lạc quan hơn. Tôi hài lòng với cuộc sống của tôi bây giờ và đang cố gắng từng ngày để tốt hơn. Khoảng thời gian kia cũng chỉ là quá khứ và tôi không giận, không trách gì bản thân tại sao lúc đó lại tiêu cực, lại buồn nhiều như vậy. Có lẽ dó là một giai đoạn tâm lí của cuộc đời. Có tôi của thời gian đó mới có tôi của bây giờ, một cô gái lạc quan tích cực. Có như vậy mới biết trân trọng hơn những người bạn, những người thân yêu đã đi cùng tôi, luôn bên cạnh tôi và tôi cởi mở hơn để tìm kiếm cho mình những người bạn mới, những mối quan hệ mới./.
(PHAN THANH NHI)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *