Bạn biết không, cảm xúc tiêu cực không xấu như bạn nghĩ. Thực chất không có cái gì gọi là tiêu cực cả, chỉ có chuyện cái cảm xúc đó nó có hợp lí trong trường hợp đó hay không.
Ví dụ: Người ta cứ bảo buồn là tiêu cực. Nhưng bạn thử tưởng tượng nếu đi đám ma mà bạn vui thì sẽ thế nào nhỉ? Lại có người bảo phẫn nộ là tiêu cực. Vậy nếu bạn vô cảm với một câu chuyện về một bé bị bạo hành thì tâm hồn bạn đã chây lì ư? Bạn coi một bộ phim mà phải kềm chế cảm xúc để không đồng cảm cùng nhân vật, phải chăng đó là cái cách bạn feel cùng nghệ thuật? Do đó trong bài viết này, ta thống nhất với nhau những cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc ta không mong muốn trong một trường hợp hay hoàn cảnh nào đó, không phải là xấu hay mang tính “tiêu cực” trầm trọng nhé.
Cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc là thứ luôn tồn tại trong cơ thể chúng ta. Nó được hình thành do bẩm sinh hoặc thông qua quá trình học tập. Như vậy, trong người chúng ta có rất nhiều cảm xúc và một lô một lốc những hành vi dẫn tới hành động tương ứng với cảm xúc đó. Sự khác nhau tạo nên tính cách của một người là ở hành động, vì đó là thứ tạo nên kết quả (cũng có thể là hậu quả) mà ta dễ dàng nhìn thấy được.
Cho đến bây giờ, nhiều nhà khoa học cũng đang tranh cãi nhau về việc giữa cảm xúc và hành vi, thì cái nào chi phối cái nào. Trong khi chưa có kết quả, chúng ta vẫn thỉnh thoảng bị những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng tới cuộc sống. Vậy thì thay vì tìm những minh chứng về cái nào chi phối hay tác động cái nào, tốt hơn là ta nên đi tìm những giải pháp giúp ta thoát khỏi cảm xúc không mong muốn.
Khi bạn đang đọc những dòng này, mình tin bạn là người nhận thức được ở sự việc này thì không nên thể hiện cảm xúc nọ. Ví dụ: Không thể mang khuôn mặt buồn chán đi học. Tuy nhiên, không tránh khỏi những lúc vì một lí do nào đó (thất tình, thất nghiệp, mắc nợ) mà tự nhiên cái cảm xúc tạm gọi là tiêu cực đó trỗi dậy và chi phối chúng ta. Đôi lúc cũng chẳng cần lí do gì nó cũng trỗi dậy nữa. Bạn có để ý tự nhiên ta cảm thấy ghét một người gặp lần đầu không? Chỉ vì họ không giống mình hoặc vì cái gì đó ta cũng không biết.
Một lí do khác khiến người ta gọi những cảm xúc kiểu như buồn, giận giữ, phẫn nộ,… là cảm xúc tiêu cực vì khi cơ thể xuất hiện những cảm xúc đó, ngoài việc ảnh hưởng đến hành vi, nó còn tiết ra những hormone có hại cho cơ thể, có thể kể tới như cortisol. Các nghiên cứu trong tâm lí học chỉ ra rằng, nếu lượng hormone cortisol quá nhiều sẽ dẫn đến những hậu quả như: Tăng cân đột ngột, trầm cảm và thay đổi tâm trạng, suy yếu hệ miễn dịch,…
Do đó, các cách vượt qua những cảm xúc không mong muốn (ta gọi là tiêu cực) được chia sẻ rất nhiều trên internet. Phải nói là nhiều vô cùng. Mỗi người là một bản thể nên không ai giống ai. Cũng không có cách nào đúng hay sai vì vấn đề nằm ở sự phù hợp, cũng giống như bộ quần áo người khác mặc đẹp là không có nghĩa bạn mặc sẽ đẹp. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, những chia sẻ trên internet (kể cả chia sẻ từ bài viết này) chỉ giúp bạn vượt qua những cảm xúc lúc đó để điều chỉnh hành vi cho đúng; hoặc ngược lại, những phương pháp đó sẽ giúp bạn điều chỉnh hành vi nhằm điều hòa lại cảm xúc. Những trường hợp như trầm cảm, sức khỏe về tâm thần thì cần đến ngay chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lí để can thiệp sâu hơn nhé.
Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có những góc nhìn khác hơn về những cảm xúc trên cơ thể của mỗi người. Từ đó bạn hãy cảm thông cho người khác, nếu một ngày bạn cảm nhận những hành vi không như ngày thường của đứa bạn, của cha mẹ, của những người chung quanh bạn nhé. Khi gặp những trường hợp như vậy, bạn có thể tự nhủ: “Chắc bạn mình đang khó chịu trong người”. Như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn cho cả hai. Nói dễ làm khó, thời gian là thước đo chuẩn nhất cho sự thấu hiểu và cảm thông.
Trong bài viết tới, mình sẽ chia sẻ đến bạn những cách mà mình – một sinh viên khiếm thị đã vượt qua những cảm xúc tiêu cực thế nào.
Chúc bạn có một đời sống an nhiên.
Phạm Minh Trung
Trả lời