Làm sao để xây dựng lịch sử tín dụng tốt khi bạn có thu nhập tự do?

Nếu bạn đang làm việc tự do với thu nhập không cố định và chưa từng sở hữu thẻ tín dụng, việc xây dựng một lịch sử tín dụng tốt có thể là thách thức. Tuy nhiên, với một số bước cụ thể, bạn hoàn toàn có thể tạo dựng uy tín tài chính cho mình để không chỉ xây ra một thẻ tín dụng, mà nó sẽ là nền tảng để bạn có một lịch sử tín dụng tốt để chuẩn bị cho những trường hợp cấp thiết trong tương lai đấy. Thông tin được mình tham khảo từ CIC và các ngân hàng, bên cạnh đó là trải nghiệm cá nhân của bản thân mình.

 

1. Sử Dụng Thẻ Tín Dụng Bảo Đảm và Mua Hàng Trả Góp Lãi Suất 0%

Thẻ tín dụng bảo đảm (secured credit card) là lựa chọn lý tưởng cho người chưa có lịch sử tín dụng. Bạn sẽ nộp một khoản tiền ký quỹ tương đương hạn mức thẻ và sử dụng thẻ như bình thường. Việc thanh toán đúng hạn sẽ giúp bạn xây dựng lịch sử tín dụng tích cực. Bạn có thể mở thẻ tín dụng hạn mức 0 đồng trên các ứng dụng ngân hàng, chuyển ào đó một số tiền nhất định và chi tiêu với nó. Bước này có vẻ hơi rườm rà nhưng đây cũng là cách để bạn quản lí chi tiêu ngay từ đầu tháng với số tiền biết trước đúng không?

Ngoài ra, nhiều ngân hàng và công ty tài chính có kết hợp với một số cửa hàng lớn cung cấp chương trình mua hàng trả góp với lãi suất 0%. Việc tham gia các chương trình này và thanh toán đúng hạn không chỉ giúp bạn sở hữu sản phẩm mong muốn mà còn góp phần xây dựng lịch sử tín dụng tốt.

 

2. Tích Cực Sử Dụng Ví Điện Tử và Tài Khoản Ngân Hàng

Ngân hàng sẽ không nắm được tình hình tài chính của bạn nếu bạn sử dụng tiền mặt. Do đó, sử dụng ví điện tử và tài khoản ngân hàng cho các giao dịch hàng ngày sẽ giúp bạn tạo ra lịch sử giao dịch rõ ràng. Việc này không chỉ thuận tiện mà còn thể hiện khả năng quản lý tài chính của bạn. Ngoài ra, một số ví điện tử còn cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng, giúp bạn xây dựng lịch sử tín dụng khi hoàn trả đúng hạn.

Bạn có thể tìm hiểu về đối tác hay ngân hàng đứng đằng sau hỗ trợ cho các ví để có lựa chọn khôn ngoan hơn. Ví dụ, mình đang dùng TPBank, ShopeePay là ví mình thường xuyên sử dụng và có liên kết với ngân hàng để phía ngân hàng hiểu rõ về chi tiêu của mình nhất.

 

3. Lưu Trữ Hợp Đồng và Giao Dịch

Hãy lưu giữ cẩn thận các hợp đồng lao động ngắn hạn, hóa đơn thanh toán hoặc bất kỳ chứng từ nào liên quan đến thu nhập của bạn. Những tài liệu này sẽ là bằng chứng quan trọng khi bạn cần chứng minh thu nhập với các tổ chức tài chính khi muốn yêu cầu mở thẻ.

 

4. Xây Dựng Quỹ Tiết Kiệm Định Kỳ

Hãy mở một tài khoản tiết kiệm và gửi vào đó một khoản tiền cố định hàng tháng. Điều này không chỉ giúp bạn tích lũy tài sản mà còn cho thấy bạn có thu nhập đều đặn và khả năng quản lý tài chính tốt.

 

5. Theo Dõi Lịch Sử Tín Dụng Thường Xuyên

Hiện nay, nhiều đối tượng mạo danh chúng ta để vay tiền qua các ứng dụng tài chính, vì thông tin của chúng ta vô tình bị lộ ra bên ngoài. Do đó, hãy kiểm tra lịch sử tín dụng định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót hoặc dấu hiệu gian lận.

Bạn có thể tra cứu thông tin này thông qua Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) trên cả web và app.

 

Xây dựng một lịch sử tín dụng tốt khi có thu nhập tự do đòi hỏi sự kiên trì và quản lý tài chính thông minh. Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ như sử dụng thẻ tín dụng bảo đảm, tham gia chương trình trả góp lãi suất 0%, tích cực sử dụng ví điện tử và tài khoản ngân hàng, lưu trữ hợp đồng và xây dựng quỹ tiết kiệm định kỳ. Chúc bạn thành công trên con đường xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.

 

(Phạm Minh Trung)

Không lo bẫy nợ với bí kíp quản lí thẻ tín dụng

Nếu bạn đang ở độ tuổi đôi mươi như mình, cầm chiếc thẻ tín dụng trên tay và vẫn chưa chắc chắn về cách quản lý nó, thì bài viết này là lời chia sẻ của mình, một người xuýt ngợp thở với thẻ tín dụng dành riêng cho bạn. Thẻ tín dụng có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống, nhưng cũng có thể biến thành gánh nặng nếu không được quản lý đúng cách.

 

1. Hiểu rõ cách tính lãi suất và phí của thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng không phải là tiền miễn phí. Bạn có biết rằng nếu chỉ thanh toán khoản tối thiểu mỗi tháng, lãi suất sẽ cộng dồn và biến khoản nợ nhỏ thành món nợ khổng lồ? Để tránh điều này, hãy hiểu rõ các điều khoản như lãi suất hàng tháng, phí rút tiền mặt, và lãi suất khi thanh toán trễ hạn. Khi bạn biết rõ mình phải trả bao nhiêu, bạn sẽ có kế hoạch tài chính vững vàng hơn.

Mỗi ngân hàng sẽ quy định khác nhau liên quan đến biểu phí. Trước khi mở, bạn có thể tìm hiểu về các loại phí của thẻ tín dụng như phí thường niên, phí trả chậm, lãi suất,… và đặt các câu hỏi đó với bộ tài liệu từ ngân hàng thông qua công cụ NotebookLM, ChatGPT hoặc hỏi trực tiếp tư vấn viên. Quan trọng nhất, bạn phải liệt kê trước các câu hỏi cần hỏi.

 

2. Lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng

Mỗi khi nhận lương, hãy dành ít phút lập kế hoạch chi tiêu, phân bổ ngân sách rõ ràng cho các khoản cần thiết, mua sắm và cả giải trí. Việc này không chỉ giúp bạn chi tiêu có kế hoạch mà còn tránh được tình trạng “quẹt thẻ thoải mái” và bất ngờ khi sao kê cuối tháng xuất hiện. Nhớ rằng, nếu món đồ không nằm trong ngân sách, hãy cân nhắc hoãn lại đến khi đủ tiền

Đặc biệt với thẻ tín dụng, vì não của chúng ta sẽ luôn nghĩ là “mình đang có tiền sẵn” nên bản thân thường dễ dãi hơn trong việc mua sắm. Hãy học cách “mua thứ mình cần thay vì mua thứ mình muốn” qua những chia sẻ từ internet để sáng suốt hơn trước khi quyết định nhé.

 

3. Luôn thanh toán toàn bộ số dư nợ hàng tháng

Rất nhiều người thích một tính năng của thẻ tín dụng, đó là thanh toán tối thiểu. Thông thường, với mỗi khoản nợ, ngân hàng sẽ cho bạn thanh toán trước 10% và sau đó vài ngày thì trả tiếp cũng được. Và nếu không trả hết được thì lại thanh toán tiếp 10%. Tuy nhiên, đây lại là cái bẫy vì số tiền mỗi lần chỉ chênh lệch rất ít nên bạn không để ý, và đó cũng là một trong những cách chúng ta đang “nuôi sống” ngân hàng.

Chỉ thanh toán tối thiểu là cách nhanh nhất để đẩy mình vào vòng xoáy lãi suất cao. Để tránh điều đó, hãy cố gắng trả hết số dư nợ trên thẻ mỗi tháng. Nếu không, bạn sẽ thấy khoản lãi tăng lên từng ngày, và cuối cùng là một khoản nợ khổng lồ mà bạn không hề muốn đối mặt.

 

4. Không dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt

Khi gặp tình huống cần tiền gấp, bạn có thể nghĩ đến việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, phí rút tiền và lãi suất thường rất cao. Để tránh điều này, bạn có thể tạo cho mình một quỹ khẩn cấp hoặc mượn tạm từ bạn bè, người thân nếu cần. Nhớ rằng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng chỉ nên là lựa chọn cuối cùng.

 

5. Chọn thẻ tín dụng có ưu đãi phù hợp với nhu cầu của bạn

Hãy chọn thẻ tín dụng có ưu đãi mà bạn thực sự sẽ sử dụng. Nếu bạn là người thích mua sắm trực tuyến, hãy tìm thẻ hoàn tiền khi mua hàng online hoặc miễn phí giao hàng. Việc chọn đúng loại thẻ không chỉ giúp bạn tiết kiệm mà còn tối ưu hóa chi tiêu, tận dụng tối đa các lợi ích mà thẻ mang lại.

Tuy nhiên, nhiều thẻ tín dụng có các ưu đãi như giảm giá, hoàn tiền, hay tích điểm. Dù đây là những lợi ích tốt, nhưng bạn cũng không nên để các ưu đãi này trở thành lý do chi tiêu. Nên nhớ rằng, các giao dịch cần có mục đích rõ ràng – đừng để cảm giác “sợ lỡ cơ hội” dẫn dắt bạn chi tiêu vượt mức nhé!

 

6. Không sử dụng quá nhiều thẻ tín dụng cùng lúc

Có quá nhiều thẻ tín dụng có thể khiến bạn mất kiểm soát chi tiêu. Thay vì bị cuốn vào các ưu đãi từ mỗi ngân hàng, hãy tập trung vào một hoặc hai thẻ với hạn mức vừa phải và các ưu đãi bạn thực sự cần. Việc này không chỉ giúp quản lý tài chính tốt hơn mà còn tránh những phí phạt không đáng có do bỏ lỡ ngày thanh toán.

 

7. Theo dõi chi tiêu hàng tháng

Cuối cùng, không có gì hiệu quả bằng việc theo dõi mọi khoản chi tiêu trên thẻ. Điều này sẽ giúp bạn tránh được cú sốc hóa đơn cuối tháng. Bạn có thể sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu hoặc đơn giản là ghi chép vào sổ tay. Mỗi lần quẹt thẻ, hãy ghi lại số tiền và loại chi tiêu để luôn có cái nhìn tổng quan về ngân sách.

 

Dù thẻ tín dụng có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng chỉ khi được sử dụng một cách khôn ngoan, nó mới thực sự là một công cụ hỗ trợ bạn trong quản lý tài chính. Hy vọng rằng 7 bí kíp trên sẽ giúp bạn trở thành một người tiêu dùng thông minh, kiểm soát được chi tiêu và tránh xa những cạm bẫy tài chính không mong muốn.

 

(Phạm Minh Trung)

Vì sao mình chọn sử dụng thẻ tín dụng?

Ngày nay, thẻ tín dụng không chỉ là công cụ thanh toán mà còn là một người bạn tài chính đồng hành với chúng ta qua từng nhu cầu cuộc sống. Không thể phủ nhận, việc sở hữu một chiếc thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích bất ngờ, nếu biết sử dụng hợp lý và có kế hoạch rõ ràng. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những lợi ích lớn nhất mà thẻ tín dụng mang lại – từ trải nghiệm cá nhân và từ góc nhìn thực tế.

 

1. Chi tiêu linh hoạt, không cần phải chờ

Thẻ tín dụng hoạt động theo nguyên tắc “chi tiêu trước, trả tiền sau,” nghĩa là bạn có thể mua sắm, thanh toán ngay cả khi trong tài khoản chưa có sẵn số tiền ấy.

Theo đó, tùy vào mức tín dụng của bạn, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức nhất định (ví dụ như 10 triệu) để chi dùng khi cần thiết. Bạn sẽ hoàn trả cho ngân hàng số tiền gốc trong 15 ngày sau ngày nhận được sao kê (tùy vào ngân hàng) và không tính lãi.

Đây là một giải pháp tuyệt vời cho những tình huống khẩn cấp hoặc khi muốn nắm bắt cơ hội mua sắm. Ví dụ, nếu có một món đồ yêu thích đang được giảm giá hấp dẫn nhưng tiền lương chưa về, thẻ tín dụng chính là “cứu cánh” giúp bạn không bỏ lỡ.

 

2. Tích điểm, hoàn tiền và ưu đãi hấp dẫn

Điều thú vị ở thẻ tín dụng là những chương trình ưu đãi mà nhiều ngân hàng dành riêng cho chủ thẻ. Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn thường có cơ hội tích lũy điểm thưởng, có thể đổi lấy quà tặng, phiếu mua hàng, hay thậm chí là tiền mặt. Ngoài ra, một số thẻ còn hoàn tiền cho các giao dịch, giúp bạn tiết kiệm một phần nhỏ trong chi tiêu hàng ngày. Các chương trình khuyến mãi từ nhà hàng, khách sạn, du lịch, hay thậm chí là giảm giá trên các trang thương mại điện tử thường xuyên xuất hiện – và đó là những ưu đãi bạn khó lòng bỏ qua.

 

3. Tính năng trả góp không lãi suất – “chia nhỏ” gánh nặng tài chính

Một điểm sáng của thẻ tín dụng là khả năng trả góp không lãi suất. Khi mua các sản phẩm có giá trị cao như điện thoại, laptop, hay các đồ gia dụng, bạn có thể chia nhỏ số tiền đó ra nhiều tháng mà không phải trả thêm bất kỳ khoản lãi nào. Trong một số ít trường hợp vẫn có lãi hoặc phí chuyển đổi, nên bạn vẫn có thể cân nhắc thêm. Đây là tính năng lý tưởng cho những ai muốn kiểm soát tài chính chặt chẽ hơn mà vẫn có thể sở hữu những thứ mình cần ngay lập tức. Thay vì trả toàn bộ một lần, bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn khi số tiền chia nhỏ dàn trải qua các kỳ thanh toán.

 

4. An toàn và tiện lợi trong thanh toán

Không cần mang theo nhiều tiền mặt, bạn có thể yên tâm thanh toán mọi nơi chỉ với một chiếc thẻ nhỏ gọn. Với những bạn khiếm thị, bạn có thể tích hợp thẻ tín dụng lên chiếc điện thoại để thanh toán an toàn hơn. Điều này không chỉ giúp bạn tránh rủi ro mất cắp mà còn tăng tính bảo mật trong giao dịch. Nếu chẳng may thẻ bị mất hoặc có giao dịch lạ, các ngân hàng thường có hệ thống bảo vệ khách hàng, giúp bạn kiểm soát kịp thời. Ngoài ra, khi đi du lịch hoặc công tác ở nước ngoài, bạn cũng không cần đổi tiền nhiều – thẻ tín dụng sẽ giúp bạn dễ dàng thanh toán quốc tế.

 

5. Xây dựng lịch sử tín dụng tốt

Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách giúp bạn xây dựng điểm tín dụng cá nhân, tạo nền tảng cho các kế hoạch tài chính lớn hơn trong tương lai, như vay mua nhà, mua xe, hoặc đầu tư. Khi có điểm tín dụng tốt, bạn không chỉ có nhiều lựa chọn vay vốn hơn mà còn có thể được ưu đãi lãi suất tốt hơn. Đây là yếu tố lâu dài mà bạn nên chú ý khi sử dụng thẻ tín dụng, và đây cũng là lí do lớn nhất khuyến khích mình sử dụng thẻ tín dụng.

 

Thẻ tín dụng thật sự là một công cụ hữu ích, giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nếu biết cách tận dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và thanh toán đúng hạn để không bị lãi suất đè nặng. Bằng cách sử dụng thẻ tín dụng thông minh, bạn sẽ tận hưởng được nhiều lợi ích mà không phải lo về gánh nặng tài chính. Hãy để thẻ tín dụng trở thành “bạn đồng hành” thay vì gánh nặng trong cuộc sống tài chính của mình.

 

(Phạm Minh Trung)

Tận dụng tối đa lợi ích từ thẻ ngân hàng

Ngày nay, việc sử dụng thẻ ngân hàng để quản lý chi tiêu đã trở nên phổ biến. Với vô số loại thẻ hiện nay, làm thế nào để chọn và tận dụng tối đa từng loại thẻ là điều không phải ai cũng nắm rõ. Trong bài viết đầu tiên này, từ hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân, mình sẽ giới thiệu cách phân biệt các loại thẻ, cùng với những ưu và nhược điểm của từng loại, để từ đó bạn có cái nhìn tổng quan, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân của mình.

 

Để bắt đầu hành trình khám phá các loại thẻ ngân hàng, đầu tiên, mình muốn chia sẻ với bạn về thẻ ATM – người bạn đồng hành thân thuộc nhất trong giao dịch hàng ngày. Thẻ ATM ở Việt Nam đa phần là thẻ ghi nợ nội địa, tức là bạn chỉ có thể sử dụng trong phạm vi trong nước. Đây là loại thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng của bạn, và mỗi lần rút tiền hay chuyển khoản là bạn đang dùng chính số tiền của mình, chứ không phải vay mượn từ ngân hàng. Điều này giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn số tiền mình đang có, tránh được tình trạng chi tiêu quá mức. Với chi phí rút tiền thấp, thậm chí nhiều ngân hàng không tính phí rút tiền cho tất cả cây ATM, thẻ ATM là lựa chọn hợp lý cho những ai có nhu cầu giao dịch đơn giản, không yêu cầu kết nối với các trang mua sắm online hoặc mua sắm quốc tế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thẻ ATM là sự giới hạn về phạm vi sử dụng, khiến nó không hữu dụng khi bạn cần thanh toán ở nước ngoài hoặc mua sắm trực tuyến quốc tế.

 

Khác với thẻ ATM, thẻ ghi nợ quốc tế – hay còn gọi là thẻ debit – có khả năng kết nối toàn cầu, cho phép bạn thực hiện các giao dịch quốc tế một cách tiện lợi. Loại thẻ này vẫn kết nối với tài khoản ngân hàng, đồng nghĩa với việc bạn không thể tiêu nhiều hơn số tiền mình có. Sự khác biệt của thẻ debit nằm ở việc bạn có thể sử dụng nó gần như ở bất kỳ đâu trên thế giới, từ các cửa hàng, nhà hàng đến các trang web mua sắm quốc tế. Đây là một lợi thế lớn cho những ai thường xuyên di chuyển hoặc có nhu cầu thanh toán online. Thế nhưng, đi kèm với sự tiện lợi là chi phí rút tiền quốc tế cao hơn so với thẻ ATM, và đôi khi, thẻ debit không có những ưu đãi, tích điểm hay hoàn tiền hấp dẫn như thẻ tín dụng.

 

Đến đây, chắc bạn đã nghe đâu đó về thẻ tín dụng – công cụ “vay trước, trả sau” đầy sức hút nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được sử dụng khéo léo. Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, dựa vào mức điểm tín dụng, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức nhất định để bạn chi tiêu, và đến cuối tháng, bạn cần hoàn trả lại khoản tiền đó. Nếu thanh toán đủ vào hạn, bạn sẽ không phải trả lãi và phí phạt; nhưng nếu chỉ thanh toán một phần hoặc chậm trả, ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi suất – và lãi suất này thường khá cao. Điều này đòi hỏi bạn phải có kế hoạch quản lý chi tiêu thật cẩn thận để tránh rơi vào nợ nần. Dù vậy, thẻ tín dụng mang đến nhiều ưu đãi hấp dẫn, từ tích điểm, hoàn tiền đến những đặc quyền cao cấp như phòng chờ sân bay hay ưu đãi dịch vụ tại sân golf, xa hơn là nâng điểm tín dụng để bạn chuẩn bị những kế hoạch trong tương lai. Với khả năng mở rộng tài chính tạm thời và những lợi ích đi kèm, thẻ tín dụng thật sự là một lựa chọn hấp dẫn nếu bạn biết cách kiểm soát và sử dụng đúng cách.

 

Mỗi loại thẻ đều có những ưu và nhược điểm riêng biệt, phù hợp với từng nhu cầu khác nhau. Thẻ ATM là giải pháp tiết kiệm chi phí và an toàn cho các giao dịch đơn giản, thẻ ghi nợ mang đến sự tiện lợi cho những ai thường xuyên mua sắm online hay di chuyển quốc tế mà không cần phải lo về nợ, còn thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi phong phú lại là công cụ hữu hiệu cho những ai muốn tận dụng tối đa tiện ích tài chính, miễn là có kế hoạch chi tiêu hợp lý.

 

(Phạm Minh Trung)