Khi bước vào cuộc sống tự lập, một trong những điều chúng ta đối mặt ngay là làm sao để không “viêm màng túi” khi chưa đến cuối tháng. Đừng lo, nếu bạn là người lười ghi chép từng khoản chi tiêu hay không có hứng thú ngồi tính toán chi li, thì cách quản lý tài chính “lười” dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm, chi tiêu hợp lý mà không cần phải nỗ lực quá nhiều.
Mặc dù nói là “lười”, không có nghĩa là không làm gì cả, mà nó nên hiểu là làm ít hơn để được nhiều hơn. Và với kinh nghiệm cá nhân của một đứa sống tự lập ít nhất 6 năm như mình, mình tin, đây là cách giúp bạn tối ưu tài chính với cách “nhàn” nhất.
Phương pháp này bắt đầu từ ý tưởng là chia thu nhập hàng tháng của bạn thành 6 phần theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Chúng ta sẽ đi qua từng hũ một, để bạn thấy cách quản lý tài chính trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả thế nào nếu bạn làm nó đều vào mỗi đầu tháng nhé. Đầu tháng không nhất thiết là ngày 1, mà đó có thể là ngày “tiền về” túi bạn.
1. Hũ Dự Phòng
Ngay khi nhận lương hoặc khoản tiền sinh hoạt hàng tháng, bạn hãy bỏ vào hũ này ít nhất 10% tổng thu nhập. Đây là quỹ “cứu nguy” của bạn trong những trường hợp khẩn cấp như hỏng xe, ốm đau, hay bất kỳ sự cố bất ngờ nào.
Nhiều bạn có thể sẽ khinh thường con số 10% khi tổng thu nhập của bạn là quá nhỏ và không đáng. Hãy tưởng tượng, sau 10 tháng, bạn sẽ có khoản tiền bằng một tháng lương, và sau một năm, số tiền này sẽ đủ để giúp bạn xoay xở trong nhiều trường hợp bất ngờ. VÀ đó là lí do vì sao không phải là một con số cụ thể, mà nó nên là tỉ lệ và 10% là con số không quá nhiều và không quá ít để làm ảnh hưởng tới các hũ khác.
Với tư duy luôn trả lương cho mình đầu tiên, đây là cách mình tích lũy từ từ. con số 10% có thể phù hợp cho những bạn có tổng nguồn tiền vào (hay còn gọi là thu nhập) nhỏ hơn 10-12 triệu/tháng và đang trên con đường sống tự lập. Tin mình đi, cách này vừa khiến bạn luôn cảm thấy an toàn, nhưng vừa cảm thấy thú vị sau hai năm tích lũy đấy. Đó không ngừng lại là số tiền bạn tích lũy được, mà nó đến từ những bài học mà cuộc sống sẽ dạy bạn. Ví dụ, bạn sẽ nhận ra mình “giỏi” thế nào trong việc cân đối chi tiêu, hay 2 năm tích lũy cũng là số tiền để bạn tiến tới đầu tư lớn hơn một lĩnh vực nào đó.
2. Hũ Chi Phí Cố Định
Đây là khoản lớn nhất và cũng là hũ dành cho các khoản chi tiêu bắt buộc hàng tháng như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, tiền điện thoại, và các khoản phí cố định khác. Hãy tổng hợp các chi phí này ngay từ đầu tháng để đảm bảo không có khoản nào bị thiếu hụt.
Bạn có thể cài đặt thanh toán tự động cho các hóa đơn cố định qua ngân hàng để tránh nộp trễ và không bao giờ “lỡ tay” tiêu nhầm số tiền này.
Với những bạn khiếm thị, nếu di chuyển bằng xe công nghệ thì khoản này là khá lớn. Bạn nên ngồi xuống để tính toán hợp lí nhé. Bạn cũng có thể sử dụng ưu đãi từ ứng dụng, bạn bè, hoặc nhiều dịch vụ đặt xe trên các hội nhóm để tiết kiệm. Với những bạn còn đang là sinh viên và chưa vướng bận với việc làm, lời khuyên của mình là bạn có thể tập đi xe bus, vừa tiết kiệm và cũng vừa thoải mái.
3. Hũ Tiền Chợ
Nếu ở cùng nhóm bạn trên 3 người, việc tự nấu ăn tại nhà là rất tiết kiệm. Ở hai người thì có thể cân nhắc, còn nếu ở một người thì giải pháp tối ưu vẫn là ăn ngoài.
Giả sử lựa chọn nấu tại nhà, Để biết tiền chợ bao nhiêu là hợp lí, bạn nên tính theo tổng số đồ ăn mà mình sẽ mua theo tuần gồm những gì, giá khoảng bao nhiêu. Bạn cũng có thể thảo luận với người nội trợ có kinh nghiệm để có những tính toán hợp lí sao cho tiết kiệm, nhưng dinh dưỡng vẫn là ưu tiên.
Ví dụ, Với 6 triệu đồng thu nhập, bạn có thể dành khoảng 1.2 triệu đồng cho hũ này, chia ra khoảng 300 nghìn đồng mỗi tuần cho thực phẩm, thêm một bạn nữa là 600k/tuần, vậy mỗi ngày là 85k cho hai bạn. Nếu nhà có tủ lạnh thì mình tin là điều này có thể, vì mình cũng đã làm được. Bài sau mình sẽ gửi đến bạn những tư duy trong việc nấu ăn của mình. Việc có chế độ dinh dưỡng hợp lí giúp bạn có được bữa ăn đầy đủ chất nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ dẫn đến bệnh.
Với những bạn ở một mình, bạn nên lựa chọn ở sleep box hoặc kí túc xá để giảm chi phí chỗ ở nhằm tăng chi phí ăn uống. Trường hợp này thì dinh dưỡng quan trọng hơn chỗ ở.
4. Hũ Đồ Dùng Sinh Hoạt
Đây là hũ cho các chi phí liên quan đến đồ dùng cá nhân và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bột giặt, xà phòng, nước rửa chén, giấy vệ sinh. Khoản chi tiêu này có thể linh hoạt theo mỗi tháng. Nếu tháng nào không dùng hết số tiền này, bạn có thể để dư vào tháng sau để có thêm một khoản dự phòng cho nhu cầu này, hoặc linh hoạt để vào hai hũ bên dưới.
Mẹo nhỏ, nếu bạn biết săn sale trên các sàn thương mại điện tử bằng cách mua gộp đơn với bạn hoặc mua sỉ sản phẩm thì bạn cũng tiết kiệm được và không cần phải lo khoản này trong vài tháng tiếp theo đấy.
5. Hũ Đầu Tư – Khoảng 10% Thu Nhập
Đầu tư không nhất thiết phải là một khoản tiền lớn. Ngay cả khi bạn chỉ có một khoản nhỏ, ví dụ như 450 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu học về đầu tư. Các nền tảng hiện nay cho phép bạn đầu tư chỉ từ vài chục nghìn đồng, từ đó giúp bạn tích lũy kinh nghiệm và kiến thức cho các khoản đầu tư lớn hơn trong tương lai.
Đầu tư vào bản thân bằng các khóa học hoặc sách cũng là một hình thức đầu tư thông minh. Đừng ngại thử sức, chỉ cần chọn những kênh uy tín và kiên trì thì bạn cũng sẽ đạt được quả ngọt.
Nhờ chịu khó tham gia các buổi hội thảo miễn phí (chỉ tốn tiền xe đi lại) mà mình cảm nhận được bản thân phát triển rất nhiều. Cái lãi ở đây là mối quan hệ, các cơ hội đầu tư (như tài sản mã hóa), cơ hội học tập trong các khóa học hàng chục triệu và một chương trình học tại trường quốc tế. Và mình tin nếu bạn đánh giá cao việc đầu tư kiến thức thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ có cho mình những thành quả bạn xứng đáng đạt được.
6. Hũ Giải Trí
Cuối cùng, hũ dành cho các hoạt động giải trí, mua sắm, ăn uống ngoài, và các sở thích cá nhân. Đây là phần bạn xứng đáng có sau khi đã nghiêm túc với 5 hũ trên. Hãy thoải mái tiêu dùng mà không lo “lỡ tay”. Đừng bao giờ để hũ giải trí ảnh hưởng đến các hũ quan trọng khác. Chi tiêu hợp lý trong hũ này giúp bạn vừa thỏa mãn nhu cầu, vừa đảm bảo sự ổn định tài chính.
Nếu vậy, khoản tiền khẩn cấp như cưới xin thì thuộc hũ nào. Bạn có thể cân nhắc giữa hũ 4 và hũ 6 nhé, thậm chí là hũ 5 nếu trúng vào mùa cưới, vì nói cho cùng thì mối quan hệ tốt cũng là một khoản đầu tư.
Quản lý tài chính không phải là điều gì quá khó khăn, nhất là khi bạn có một phương pháp rõ ràng như phương pháp 6 hũ. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng việc chia thu nhập thành các khoản nhỏ là rắc rối, nhưng chính điều này giúp bạn đảm bảo chi tiêu có kế hoạch và không lo thiếu hụt khi cần thiết. Đây là một phương pháp rất phổ biến và bạn có thể tìm cũng như đọc thêm về nó để có nhiều mẹo hay ho hơn trên internet nhé.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời