Với nhiều người, có lẽ tài chính là một vấn đề gì đó hơi nhậy cảm có phần mơ hồ. đặc biệt, nhiều bạn lầm tưởng chủ đề này chỉ dành cho những ai đang đi làm và đã tạo ra thu nhập. Hầu như nhắc đến tài chính, nhiều người chỉ nghĩ đến tiền. Nhưng thực tế, tiền chỉ là một trong số rất nhiều công cụ trong lĩnh vực tài chính, và có lẽ nhiều người ngại nhắc đến tài chính cũng chỉ vì “chữ tiền”. Bài viết này mình sẽ chia sẻ đến bạn những lí do mình quyết định thử với tài chính cá nhân (hay quản lí tài chính) ngay khi còn là sinh viên. Nói đúng hơn, mình sẽ không chia sẻ đến bạn những lợi ích hay những thành quả trong việc quản lí tài chính, vì đây là một quá trình dài mới đem lại kết quả. Thứ mình có được khi áp dụng trong tài chính cá nhân là những bài học được chia sẻ bên dưới.
1. Tự do là kỉ luật
Mình đã từng nghe nhiều doanh nhân chia sẻ: “Kỷ luật là tự do.” Theo thời gian, câu nói ấy đã trở nên sâu sắc hơn trong tâm hồn mình, khi mình thử áp dụng nó vào cuộc sống và công việc hàng ngày. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của câu nói này chỉ hiện rõ khi mình bắt đầu quản lý tài chính cá nhân một cách chặt chẽ hơn.
Trước đây, mình nghĩ rằng sự tự do đến từ việc có nhiều tiền, có khả năng mua mọi thứ mà không cần quan tâm đến giá cả hay suy nghĩ. Nhưng thực tế lại ngược lại hoàn toàn. Khi mình kiếm được nhiều tiền hơn, mình cảm thấy áp đặt hơn trong việc tiêu tiền. Đồng tiền không mang lại sự tự do mà ngược lại làm tăng áp lực cho mình, đặc biệt là vào những ngày cuối tháng. Mình mất kiểm soát và không biết tiền mình đi đâu, điều này khiến mình cảm thấy bất lực và tự trách bản thân, thậm chí cảm thấy xấu hổ khi phải thảo luận với người khác về vấn đề tiền bạc.
Nhưng khi mình bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu theo nguyên tắc “zero-based budget” (sẽ nói kĩ hơn trong bài tiếp theo) và tuân thủ nó mỗi tháng, mình cảm thấy thực sự tự do với đồng tiền của mình. Với kế hoạch chi tiêu đã được đề ra, mình có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn, miễn là nó nằm trong ngân sách hàng tháng. Điều đáng ngạc nhiên là mức ngân sách này không khiến mình cảm thấy gò bó, ngược lại, nó khiến cho đồng tiền trở nên linh hoạt hơn, và mình chi tiêu vào những điều có ý nghĩa thực sự hơn.
Đồng thời, việc có trách nhiệm với việc chi tiêu giúp mình không còn cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ khi mua sắm những thứ mà mình cho là cần thiết. Đặc biệt, để tạo thêm khoảng trống tự do, mình có một khoản gọi là “Tiền Cho Vui”. Khoản tiền này có thể tiêu vào bất kỳ điều gì mà mình thích. Tất nhiên, vì cũng đang là sinh viên nên khoản tiền này lúc có lúc không, và nếu có thì cũng rất ít. Tuy nhiên, nó vẫn đem lại cho mình cái cảm giác vui vui khi dư ra một chút (không phải là tiền tiết kiệm). Cuối cùng, tiền cũng là để tạo thêm niềm vui cho cuộc sống của chúng ta.
Sự tự do trong khuôn khổ này đã giúp mình cảm thấy thoải mái khi chi tiêu, không cần lo lắng rằng quyết định của mình hôm nay sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm và đầu tư trong tương lai. Mọi thứ đều được xem xét và tính toán kỹ lưỡng từ đầu. Trái ngược với quan điểm của nhiều người, quản lý tài chính không khiến mình cảm thấy mệt mỏi hay gò bó; thực tế, nó mang lại niềm vui khi mình học được thêm về tiền bạc. Mình nhận thấy rằng, càng biết nhiều, mình càng thấy mình “phóng khoáng” hơn. Kỷ luật thực sự chính là tự do.
2. Trách nhiệm hơn trước mỗi quyết định
Điều kì dịu nhất khi học cách quản lý tài chính là bạn không chỉ trở nên nhạy bén hơn với việc quản lý tiền bạc mà còn trở nên sáng suốt hơn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống—vì thực tế, hầu hết mọi thứ xung quanh chúng ta đều liên quan đến tiền bạc. Điều này không chỉ là trải nghiệm của riêng mình, mà còn của nhiều người khác, những người đã bắt tay vào hành trình tự chủ tài chính. Học cách quản lý tiền bạc khiến chúng ta trưởng thành hơn.
Trước kia, khi mình chưa chú tâm quản lý tiền bạc một cách cẩn thận, mình thường lãng phí những thứ nhỏ nhặt hàng ngày, coi thường chúng và nghĩ rằng chúng không quan trọng. Thức ăn thừa thãi, rác thải, sản phẩm nhựa độc hại cho môi trường, thời trang nhanh chóng, và nhãn hiệu không đạo đức… trước kia, mình không để ý đến những vấn đề này. Nhưng khi mình bắt đầu kiểm soát tiền bạc một cách chặt chẽ hơn, mình trở nên trân trọng hơn với những đồng tiền mình kiếm được. Mình muốn chúng được chi tiêu vào những thứ thực sự cần thiết và hữu ích, không lãng phí, không gây hại cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Mình cũng muốn sử dụng tiền của mình để ủng hộ những thương hiệu có trách nhiệm đối với thiên nhiên, người lao động và chất lượng sản phẩm của họ. Do đó, việc quản lý tài chính đã làm cho mình trở thành một “người tiêu dùng thông thái”, thông minh hơn và trưởng thành hơn trong việc đưa ra các quyết định về chi tiêu, dù là nhỏ nhất.
Hơn nữa, việc học cách quản lý tài chính còn khiến mình cảm thấy thoải mái hơn khi trao đổi với người khác về tiền bạc, thay vì xem đó như một chủ đề nhạy cảm. Sự mở lòng trong giao tiếp, việc thường xuyên đặt câu hỏi liên quan đến tài chính đã giúp mình xây dựng nhiều mối quan hệ tích cực với những người cùng hoàn cảnh và tư duy về quản lý tiền bạc. Đặc biệt, thông qua việc trao đổi này, mình đã thu thập được nhiều thông tin hữu ích về cách tiết kiệm và kiếm thêm tiền.
3. Sẵn sàng cho đi và trân trọng những gì đang có
Trái ngược với quan điểm phổ biến rằng việc tiết kiệm liên quan đến sự ki bo và dè sẻn, từ chính hành trình của mình, mình nhận ra rằng việc kiểm soát tốt hơn đồng tiền mình kiếm được lại khiến mình trở nên trân trọng hơn những gì mình đang có, giảm bớt sự hỗn loạn và trở nên hào phóng hơn với mọi người xung quanh. Trước kia, mình thường cảm thấy căng thẳng vì thiếu tiền, và việc đóng góp cho từ thiện hoặc giúp đỡ cộng đồng thường trở nên gượng ép và khó khăn. Tuy nhiên, từ khi lấy lại sự kiểm soát về tài chính, mình nhận ra mình thực sự đủ đầy (tùy theo tiêu chí của bản thân). Dù vẫn có những khoản chi phí cần đáp ứng, nhưng mình vẫn có thể đóng góp bằng cách làm tình nguyện, dành thời gian và công sức, hoặc chia sẻ những vật dụng không cần thiết từ gia đình cho những người cần. Nói chuyện với những ai muốn nghe về tài chính, và việc chia sẻ những hiểu biết chút chút của mình về tài chính thông qua các bài viết cũng là một cách mình thấy ý nghĩa hơn từ sự trao đi giá trị.
Quản lý tài chính thực sự là điều quan trọng với tất cả chúng ta, không chỉ riêng với doanh nhân, người giàu có, hay người cảm thấy ki bo và dè sẻn… Mỗi người trong chúng ta đều có thể học hỏi điều gì đó mới khi nhìn sâu hơn vào những đồng tiền chúng ta hiện có trong tay. Đối với mình, việc hiểu biết sâu hơn về quản lý tài chính (không chỉ là việc kiếm thêm tiền) đã làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nó giúp mình trở nên vững tâm hơn, tự tin hơn khi đối mặt với những khía cạnh khó khăn của cuộc sống mà trước đây mình từng sợ hãi và ngần ngại. Mình sẽ tiếp tục hành trình tự chủ tài chính của mình, mặc dù đoạn đường còn dài, nhưng mình cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc với những thay đổi tích cực mà mình đã học được. Mình hy vọng rằng bạn cũng đang và đã bắt đầu trên con đường của mình.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời