Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ đối với người khiếm thị nói riêng và xã hội nói chung. Nếu bạn là một người ưu tiên cho sự chủ động, bên dưới là những ứng dụng đã đồng hành và giúp ích mình rất nhiều trong quá trình sống tự lập.
1. Đa dạng hóa ứng dụng gọi xe
Ứng dụng gọi xe công nghệ hẳn không còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa các ứng dụng đặt xe trên điện thoại sẽ “cứu” chúng ta trong nhiều hoàn cảnh.
Bạn mình đã từng gặp một trường hợp có thể nói là “xưa nay chưa từng có” khi liên tục đặt Grab không có tài xế, nhưng đặt Bee lại có một anh tài đẹp trai đến đón ngay, chưa kể giá còn rẻ hơn nữa. Do đó, đây là một trong những lí do khiến mình cài nhiều ứng dụng đặt xe trên điện thoại cùng lúc (cụ thể là bốn ứng dụng) để sử dụng khi cần thiết.
Bên cạnh đó, một trong những lí do khác khiến mình cài nhiều ứng dụng đặt xe là vì giá cả và khuyến mãi. Hiện tại, Bee là ứng dụng có giá thấp nhất, tiếp đó đến Gojek, và cuối cùng là Grab. Tần suất và số lượng các ưu đãi khi đặt xe hay đồ ăn cũng theo thứ tự như trên.
Một lời truyền miệng nho nhỏ (không có khảo sát chính thức) của mình và nhóm bạn liên quan tới dịch vụ của ba ứng dụng theo thứ tự từ tốt nhất là Grab, Gojek, Bee – tỉ lệ nghịch với giá tiền. Tuy nhiên, nói cho cùng thì sắc xuất cũng ít và không có khảo sát chính thống nên các bạn cứ yên tâm mà đi ha. Ngoài ra, mình cũng cài thêm Tada (ứng dụng tương tự với các ứng dụng đặt xe khác) để có những ưu đãi bất ngờ (như giảm 80%) và Taxi Mai Linh để lỡ cần là có xài ngay.
2. Đọc văn bản trực tiếp với Lookout – hỗ trợ thị giác
Có khi nào bạn muốn kiểm tra nhanh loại giấy tờ hay gói sản phẩm bạn đang cầm được ghi những gì không? Hay xịn xò hơn là muốn đọc một trang sách ngay lập tức để lấy thông tin nhằm tham gia hoạt động trên lớp học?
Rất nhiều ứng dụng có thể giải quyết vấn đề trên, nhưng điểm yếu của những ứng dụng đó là bạn phải giữ camera chuẩn, sao cho văn bản nằm gọn trong khung hình, nếu không sẽ bị thiếu chữ, thậm chí là không chụp được gì.
Tuy nhiên, với Lookout, khi chọn vào thẻ “xem” hay thẻ “tài liệu” (tùy phiên bản), ứng dụng sẽ phát ra giọng nói để hướng dẫn người dùng điều chỉnh camera phù hợp để ứng dụng có thể chụp được văn bản nhiều nhất. Việc của bạn chỉ cần bật điện để cung cấp ánh sáng, di chuyển chậm rãi theo hướng dẫn là sẽ đọc được văn bản ngay thôi. Bạn có thể tải ứng dụng tuyệt vời này tại:
https://play.google.com/store/apps/details?id=com.google.android.apps.accessibility.reveal
3. Ví thanh toán theo chuẩn NFC
Xu hướng không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến, nhất là sau đại dịch Covid-19. Nói thế thôi, thực ra ai tiện thứ gì thì dùng thứ đó, vì rất khó để thanh toán bằng tiền mặt ở tiệm tạm hóa, cũng như một số trường đại học (như Đại học RMIT) không chấp nhận thanh toán tiền mặt trong trường.
Với mình, do nhu cầu trong cuộc sống hầu hết là thanh toán không dùng tiền mặt nên mình chọn ứng dụng Google pay – phương thức thanh toán trên hệ điều hành Android để thanh toán. Yêu cầu của phương thức này bao gồm: thẻ Visa phi vật lý, điện thoại có giao thức NFC, và tất nhiên là tiền trong thẻ là có thể thanh toán chỉ bằng một cú chạm.
Khi được nhân viên hỏi thanh toán bằng hình thức nào, bạn có thể nói thanh toán bằng thẻ là nhân viên sẽ nhập số tiền vào máy POS, sau đó bạn đưa máy vào gần là có thể thanh toán. Bạn nhớ mở khóa màn hình và vào ứng dụng là có thể thanh toán chưa đầy 2 giây. Bạn có thể xem thêm hướng dẫn sử dụng trên Youtube để dễ hình dung hơn nhé.
Ưu điểm của phương thức này là không cần wifi, không cần nhập mã pin, an toàn khi sử dụng, có thể quản lí được dòng tiền của bản thân để lên kế hoạch chi tiêu hợp lí. Đặc biệt, ví này có thể tương thích với tất cả các điện thoại chạy hệ điều hành Android và có giao thức NFC. Nếu dùng hệ điều hành IOS, bạn có thể nghiên cứu các tính năng tương tự từ Apple Pay nhé.
Chăm sóc sức khỏe với hệ sinh thái Xiaomi
Với Xiaomi, hãng này chuyên tích hợp các sản phẩm của mình lên điện thoại thông minh để công nghệ hóa các sản phẩm của mình, cũng chính là cách họ đang làm truyền thông. Tuy nhiên, cách làm này vô tình lại rất có lợi cho người dùng chúng ta.
Hiện mình đang dùng Mi Home và Mi Fit trong cuộc sống thường ngày để theo dõi sức khỏe qua cân điện tử, nấu ăn bằng nồi chiên không dầu, điều khiển máy lạnh. Bạn mình có dùng Mi Fit để theo dõi quá trình chạy bộ trên máy nữa. Và nếu được, bạn cũng có thể thử tham gia vào hệ sinh thái này xem sao nhé, không nhất thiết phải sử dụng điện thoại Xiaomi mới có thể sử dụng.
Hy vọng những ứng dụng được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn tăng thêm sự chủ động trong cuộc sống. Chúc các bạn luôn tự tin trong cuộc sống.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời