Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc hẳn chúng ta đều được dạy rằng, cần trả lời đúng càng nhiều câu hỏi với tốc độ càn nhanh càng tốt. Nhưng với sự xuất hiện của AI, đặc biệt là những công cụ như ChatGPT, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Không phải người trả lời giỏi nhất sẽ chiến thắng, mà giờ đây, người hỏi “giỏi nhất” mới là người dẫn đầu. Sở dĩ mình đặt chữ giỏi nhất trong dấu ngoặc kép vì nó nên hiểu theo một cách đặc biệt. Với một thế giới đang thay đổi từng ngày, ít nhất là về lĩnh vực công nghệ, chỉ có khái niệm làm việc tốt hơn, không có khái niệm làm việc tốt nhất. Câu hỏi bạn đặt ra với AI không chỉ là yếu tố quyết định công việc của bạn có hiệu quả hay không, mà còn là chìa khóa để mở ra tiềm năng sáng tạo mới. Bài viết này mình sẽ chia sẻ đến bạn 3 tư duy cốt lõi giúp bạn x10 chất lượng prompt khi làm việc với các công cụ AI nhé.
1. Tư duy cá nhân hóa – Hãy làm rõ mong muốn của bạn
Hãy tưởng tượng bạn đang tư vấn một chiếc máy tính cho ba người khác nhau: một bé 5 tuổi, một bạn sinh viên mới chân ướt chân ráo vào giảng đường, và một kỹ sư công nghệ lành nghề. Bạn có dùng cùng một cách diễn giải cho cả ba không? Tất nhiên là không!
Tương tự, khi làm việc với ChatGPT, nếu bạn muốn nhận được câu trả lời tốt nhất, hãy cá nhân hóa prompt của mình. Bằng cách cung cấp thêm thông tin chi tiết, bối cảnh rõ ràng, AI sẽ điều chỉnh câu trả lời để phù hợp với hiểu biết và nhu cầu cụ thể của bạn.
Ví dụ, thay vì chỉ hỏi: “Làm thế nào để học hiệu quả hơn?”, bạn có thể đặt câu hỏi chi tiết hơn: “Tôi là sinh viên đại học, đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ về môn lịch sử. Tôi muốn tìm một phương pháp học giúp tôi nhớ lâu hơn những sự kiện quan trọng và cách chúng liên kết với nhau. Có phương pháp nào hiệu quả không?”. Bạn sẽ nhận lại những gợi ý cụ thể hơn, chẳng hạn như sơ đồ tư duy, kỹ thuật ghi chú Cornell hay cách phân bổ thời gian học hợp lý, thay vì những lời khuyên chung chung như “hãy đọc lại bài nhiều lần”.
Do đó, để nhận được câu trả lời tốt nhất, hãy cá nhân hóa câu hỏi của mình càng chi tiết càng tốt.
2. Tư duy đặt câu hỏi ngược – Bạn chưa biết những gì mình chưa biết
Một sai lầm phổ biến là mong muốn có ngay một câu trả lời hoàn hảo từ ChatGPT chỉ với một prompt đầu tiên. Thực tế, giống như khi giao việc cho ai đó, bạn sẽ cần cung cấp đủ thông tin, tài liệu để họ hiểu và làm đúng yêu cầu. Và việc này đôi khi tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Nhưng có một cách đơn giản hơn nhiều: Hỏi ngược lại ChatGPT. Sau khi đặt câu hỏi ban đầu, hãy bổ sung thêm câu hỏi này: “Bạn cần thêm thông tin gì để đưa ra câu trả lời tốt hơn? Hãy hỏi 3 câu hỏi.”
Câu hỏi này không chỉ giúp AI hiểu rõ hơn về yêu cầu của bạn mà còn gợi ý những điều bạn có thể chưa nghĩ tới. Và từ đó, cuộc trò chuyện với AI sẽ trở nên chi tiết và thực tế hơn nhiều.
Việc chỉ nên đề nghị ChatGPT hỏi ba câu hỏi nhằm đảm bảo tính cân bằng về chi tiết nhưng vẫn ngắn gọn. Ít hơn 3 câu hỏi có thể không đủ chi tiết để giúp bạn làm rõ vấn đề, nhiều hơn 3 câu hỏi có thể khiến AI đặt ra những câu hỏi dư thừa, không cần thiết, làm phức tạp thêm tình huống.
Do đó, Đừng ngại khai thác ngược lại AI để khám phá những gì bạn chưa biết!
3. Tư duy phản biện – Không ngừng đánh giá và thử thách ý tưởng
Có một câu trả lời tốt là điều tuyệt vời, nhưng chỉ dừng lại ở đó sẽ giới hạn bạn. Thay vào đó, hãy sử dụng tư duy phản biện để thách thức và đánh giá mọi ý tưởng từ nhiều góc độ khác nhau.
Khi nhận được một câu trả lời từ ChatGPT, đừng vội tin tưởng hoàn toàn. Hãy thử đặt lại câu hỏi: “Hãy đóng vai trò là một nhà phê bình nghiêm khắc và đánh giá ý tưởng này, tại sao nó tốt hoặc không tốt?”
Bằng cách liên tục thách thức và phân tích ý tưởng, bạn không chỉ đảm bảo lựa chọn tốt nhất mà còn phát triển tư duy sâu sắc hơn. Đây là một kỹ năng quan trọng trong công việc và cuộc sống, giúp bạn luôn tiến về phía trước với những quyết định sáng suốt.
Cá nhân hóa, đặt câu hỏi ngược, và tư duy phản biện là ba tư duy quan trọng để bạn không chỉ làm việc hiệu quả hơn với AI mà còn trở thành người hỏi giỏi – người dẫn đầu trong thời đại số. Với mình, nếu nắm được 3 tư duy cốt lõi này, không những bạn có thể tương tác tốt với những công cụ AI mà còn là một “bậc thầy” về nghệ thuật giao tiếp nữa đó.
(Phạm Minh Trung)
Trả lời