Người Khiếm Thị Chuẩn Bị Những Gì Khi Tập Chạy Điền Kinh?

posted in: CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG | 0
0
(0)

Đây là một môn thể thao cũng như là một sở thích đã gắn bó với mình trong suốt 7 năm qua. Trước đó, mình cũng đã tham gia hầu hết các môn thể thao mà người khuyết tật có thể chơi như đá banh, võ Judo, Aikido và bơi lội. Có lẽ chạy bộ mang lại cho mình khá nhiều lợi ích nên một lần bon chen đi tập cho vui mà mình đã dính với nó tới ngày hôm nay. Không chỉ mang lại sức khỏe mà trong quá trình chạy mình có cơ hội được kết nối với bản thân, biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của chính mình. Không những thế, từ lúc chơi Điền Kinh tới nay mình đã làm quen được rất nhiều bạn, nhiều anh chị đến từ nhiều nơi khác nhau, từ đó mở rộng vòng tròn xã hội. Nhờ vậy mà những lúc bản thân gặp khó khăn mình có thể dễ dàng tham khảo ý kiến của những người bạn xung quanh. Những năm đầu đi tập mình khá vất vả ở bộ môn này vì không biết cách chuẩn bị hợp lí trước khi đi tập. Nên hôm nay, mình xin được chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm đúc kết từ bản thân và ý kiến của các anh chị chạy Điền Kinh lâu năm, để những bạn nào cùng chung sở thích và có ý định tập chạy có sự chuẩn bị tốt nhất.

  1. Tìm cho bạn một huấn luyện viên cũng như một Guide dẫn đường và một sân tập gần nhà nhất có thể.

Thời gian đầu khi mình đi tập, sân chạy khá xa nhà mình nên tốn rất nhiều chi phí đi lại. Do đó, mình phải chịu rất nhiều sự ngăn cản từ phía gia đình, vì khoảng thời gian  đó kinh tế của bản thân còn phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Việc sân tập gần nhà cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho bạn đấy! Bạn có thể tham khảo một số sân tập mà các vận động viên khuyết tật tập luyện nhiều nhất như: sân vận động Thống Nhất quận 10; sân vận động Phú Thọ quận 11 và sân vận động Quân Khu 7 ở quận Tân Bình. Ngoài ra, hãy tìm cho mình một huấn luyện viên cũng như Guide dẫn đường để có bài chạy phù hợp với bản thân. Ban đầu, mình không xác định được ai là huấn luyện viên của mình, cho nên mỗi lần lên sân ai kêu chạy bài gì thì chạy bài đó. Ví dụ, ngày hôm qua mình tập bài đường ngắn cần tốc độ, ngày hôm nay lại lên chạy bài đường dài cần sức bền. Việc này không những không giúp mình xác định cự li phù hợp với bản thân mà còn không giúp cho thành tích đi lên.

  1. Một đôi giày chạy phù hợp.

Khác với các loại giày thể thao khác, giày chạy sẽ có trọng lượng nhẹ, đệm gót êm ái, đế thấp làm bằng cao su và có độ ma sát tốt. Bạn có thể tham khảo ý kiến của huấn luyện viên trên sân hoặc các anh chị để tìm cho mình chỗ bán giày rẻ và chất lượng nhất. Sở hữu cho mình đôi giày phù hợp ngay từ đầu sẽ giúp bạn tránh các chấn thương về chân không đáng có trong khi tập luyện

  1. Tối thiểu hai bộ đồ đi tập khiến bạn thoải mái nhất. Thường thì mình sẽ chọn quần đùi và áo thun đơn giản.
  2. Dây dẫn. Đây là một thứ không thể thiếu với các bạn vận động viên khiếm thị. Bạn có thể nhờ huấn luyện viên cung cấp cho bạn dây dẫn nhưng cũng có thể rút dây quần không dùng tới hoặc dây giày cũ, cột gúc hai đầu lại biến nó thành dây dẫn.

Trên đây là những thứ đơn giản nhất bạn có thể chuẩn bị. Chúc các bạn có những buổi tập luyện thành công và tốt đẹp

Nguyễn Thị Thanh Thùy

 

Bạn có thấy bài viết hữu ích không?

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *